Xã Pá Khoang, huyện Điện Biên có nhiều khe, suối. Người dân ở đây tạo ao nuôi cá bằng cách ngăn, đắp các đoạn suối, hoặc đào ao đất và dẫn nước suối vào nuôi cá. Gia đình ông Lò Văn Sơn cũng tạo ao nuôi cá bằng cách như vậy. Ao ông Sơn câu được con cá trắm trắng nặng hơn 9kg vốn là 1 khe suối.
Cá trắm trắng khủng được cần thủ đưa lên bờ sau 20 phút dòng dưới ao. Ảnh: Lù Văn Cung.
Khe suối này được gia đình ông Sơn ngăn lại 1 đoạn dài tạo thành ao nuôi cá. Trong ao, ông Sơn thả nhiều loại cá, chủ yếu là trắm cỏ, trôi, chép…Cứ định kỳ 2-3 năm ông lại tháo cạn nước bắt cá bán. Thường ở các ao, ông Sơn để gối lại mấy chục con cá trắm, chép để nuôi lớn.
Con cá trắm trắng nặng hơn 9kg ông Sơn câu được hôm 23/11 là một trong những con cá “khủng” như vậy. Ông Sơn cho biết, trong mấy ao của gia đình còn nhiều cá trắm, chép to, một số con cá trắm có trọng lượng còn to hơn con ông câu được.
Anh Lù Văn Cung với "chiến lợi phẩm" là con cá trắm cỏ khủng nặng 9kg. Ảnh: Lù Văn Cung.
Anh Lù Văn Cung, người cùng ông Sơn “đánh vật” với con cá trắm trắng nặng hơn 9kg cho biết: “Mồi câu là củ sắn tươi gắn vào lưỡi câu. Bình thường, cá to rất khôn, khó câu, khó bắt, nhưng hôm nay tự dưng con trắm này lại cắn câu. Có lẽ ông Sơn hay cho chúng ăn cây sắn, lá sắn…”.
Anh Cung cho biết, anh và ông Lò Văn Sơn phải dòng con cá trắm mất 20 phút mới đưa được lên bờ. “Ông Sơn là tay câu có tiếng ở đây mới dòng cá lên nhanh thế được, chứ tôi mà dòng thì chắc phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ…”.
Cá trắm trẳng đưa lên bàn cân nặng hơn 9kg. Ảnh: Lù Văn Cung.
Theo anh Lù Văn Cung, bản Phiêng Sáng nói riêng và xã Pá Khoang nói chung có nhiều ao hồ. Nuôi cá là một trong những cách để đồng bào dân tộc ở đây có thêm thu nhập. Từ nuôi cá, nhiều hộ đã có đời sống khấm khá hẳn lên.
Theo Đông Hoàng (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn