Heo bệnh, người cũng phát bệnh
Trong số những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang (Đức Hòa), gia đình ông Đặng Văn Đã là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất. Và đây cũng đang là một trong những hộ "xất bất xang bang" nhất với dịch tai xanh trên đàn heo. Cuối tháng 10, khi dịch tai xanh đã xuất hiện ở nhiều đàn heo trong xã Lộc Giang, thì trên đàn heo 74 con của gia đình ông Đã, nhiều con đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của bệnh tật.
Đến ngày 29/10, có tới vài chục con heo của ông Đã bị nặng và được xác định là tai xanh. Trước tình hình đó, UBND xã Lộc Giang buộc phải tiến hành tiêu hủy 35 con heo trong chuồng nhà ông Đã, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng chống cho số heo còn lại. Nhưng đến ngày 14/11, trên đàn heo 39 con còn lại của ông Đã, lại có nhiều con có dấu hiệu của bệnh tai xanh.
Đưa tôi và chị Nguyễn Thị Thúy Diễn (cán bộ thú y xã Lộc Giang) ra thăm chuồng, bà vợ ông Đã chỉ cho xem mấy con heo nhỏ đang đứng ủ rũ trong một ngăn chuồng. Rồi bà chủ nhà tự tay bắt lên một con heo để mọi người cùng xem cho rõ tình trạng bệnh tật của nó. Chị Diễn xem con heo rồi cho rằng dịch tai xanh có thể vẫn còn trên đàn heo nhà ông Đã và sẽ phải đề nghị xã xem xét, tiến hành tiêu hủy tiếp những con heo bệnh ở hộ chăn nuôi này.
Tôi ghé thăm một hộ chăn nuôi khác cũng ở ấp Lộc Thạnh là hộ Phạm Thị Việt Dung. Nhà chị Dung là một hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc vào nuôi heo, gà, vịt. Vì thế, dù nuôi heo năm nay lời lãi quá ít hoặc chỉ lấy công làm lời bởi giá thấp, nhưng vợ chồng chị Dung vẫn gắng gượng duy trì đàn heo 17 con. Những con heo lớn đang sắp đến kỳ xuất chuồng thì bất ngờ "dính" bệnh tai xanh, phải tiến hành tiêu hủy tới 4 lần, tổng cộng 8 con, tức là “bay” mất hơn một nửa đàn heo.
Chị Dung chưa hết buồn bên chuồng heo đã vơi một nửa vì tai xanh
Chị Dung bảo mấy năm trước, khi nghe tin trong xã có bệnh tai xanh, chị mua vacxin về tiêm ngừa kịp thời nên không việc gì. Năm nay, chị cũng nghe ngóng, nhưng chưa kịp tiêm ngừa thì đàn heo của nhà đã dính ngay bệnh này.
Tuy dịch bệnh đã tạm lui trên đàn heo nhà chị sau khi 8 con nặng nhất bị tiêu hủy, chị Dung vẫn chưa hết buồn và lo lắng: “Heo bệnh, tôi cũng bệnh theo luôn vì kinh tế của cả nhà đều trông cả vào đó. May mà 2 con heo nái không việc gì. Nếu không, chẳng biết làm cách nào để gây lại đàn heo”.
Dịch bệnh dai dẳng
Theo ông Nguyễn Minh Phòng, PCT UBND xã Lộc Giang, đây là năm thứ 3 liên tiếp xã này có dịch tai xanh. Với trên 3.200 con heo, Lộc Giang là xã có đàn heo đông nhất ở huyện Đức Hòa, nên cũng đang là xã có số heo bị bệnh tai xanh và phải tiêu hủy nhiều nhất. Đến ngày 14/11, đã có tổng cộng 73 hộ ở các ấp Lộc Bình, Lộc Thạnh, Lộc An, Lộc Chánh, Lộc Hòa, Lộc Thuận và Lộc Hưng có heo bị tai xanh.
Tổng đàn heo ở những hộ này là 1.793 con, trong đó 522 con bị nặng buộc phải tiêu hủy. Nhiều hộ bị thiệt hại lớn như hộ Nguyễn Thanh Bình (ấp Lộc Hưng) nuôi 69 con thì bị hủy tới 45 con; hộ Đặng Văn Đã (ấp Lộc Thạnh) nuôi 74 con, hủy 35 con; hộ Đỗ Thị Quyên (ấp Lộc Chánh) nuôi 65 con, hủy 22 con…
Tôi hỏi vì sao trong mấy năm qua, Lộc Giang thường xuyên bị dịch heo tai xanh, ông Phòng than: “Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong xã quá nhiều, lại ở rải rắc khắp nơi. Đại đa số các hộ chăn nuôi kém hiểu biết về kỹ thuật, ít quan tâm vệ sinh chuồng trại, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh cơ bản rất thấp.
Khi có thông tin về tình hình dịch tai xanh trong huyện, xã đã cho thông tin về tình hình dịch bệnh và kỹ thuật phòng chống trên hệ thống loa phát thanh, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không quan tâm. Giá vacxin quá cao, tới 35.000 đ/liều, cũng khiến cho nhiều hộ, kể cả một số số hộ nuôi lớn lần lữa chuyện tiêm phòng ngay từ đầu. Họ đánh liều cứ canh chừng, nếu chưa nghe thấy dịch bệnh trong vùng thì chưa tiêm, đợi khi trong xã có dịch mới tiêm. Thành ra nhiều hộ đã trở tay không kịp”.
Ông Trương Văn Tuấn, Trưởng trạm thú y Đức Hòa cho hay, đến chiều ngày 14/11, đã có 162 hộ chăn nuôi ở 16/20 xã, thị trấn ở huyện này có heo bị tai xanh. Tổng đàn của những hộ này là 4.383 con, trong đó 1.197 con (38.285 kg heo hơi) bị tiêu hủy. Thời gian phát bệnh mạnh nhất ở Đức Hòa là vào các ngày 7, 8 và 9/1.
Đức Hòa đã phải huy động toàn lực chống dịch, đến ngày 10/11 đã tiêm phòng dập dịch được 34.210 liều (trên 90%) tổng đàn. Nhờ đó, mấy ngày qua, dịch tai xanh đã giảm dần. Nhưng dịch đã lan sang huyện khác trong tỉnh.
Theo ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An, mới đây, dịch tai xanh lại xảy ra trên đàn heo của 6 hộ chăn nuôi ở một xã của huyện Thạnh Hóa. Điều đáng nói là huyện Đức Hòa nói riêng và tỉnh Long An nói chung, dịch tai xanh thường tái đi tái lại và lây lan rộng trong những năm qua. Ông Thế cho rằng, nguyên nhân chính vẫn do việc chủ động tiêm phòng dịch của người chăn nuôi còn rất thấp. |
Để chấm dứt tình trạng này, ngoài việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch bệnh ở các trại chăn nuôi, một số huyện đã đề nghị UBND tỉnh Long An có cơ chế ứng phó với những điểm phát dịch lẻ mà chưa đến mức công bố dịch, giống như là khi đã công bố dịch.
Chẳng hạn ở 1 xã nào đó có 1-2 hộ bị dịch, trong huyện mới có 1-2 xã có tai xanh, thì cũng tiến hành tiêm vacxin, cấp thuốc sát trùng miễn phí và hỗ trợ cho các hộ có heo bị tiêu hủy. Ông Trương Văn Tuấn cho rằng có như vậy mới ngăn chặn được dịch bệnh ngay từ đầu, chứ để đến khi công bố dịch rồi mới cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ tiêu hủy thì sẽ rất khó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ngày 20/11/2012 - Theo Tư vấn nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn