Nhiều địa phương, doanh nghiệp nêu yêu cầu cấp bách phải ưu tiên đầu tư thủy lợi phục vụ cho các vùng rau, cây ăn quả lớn. |
Tại hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019, triển khai công tác năm 2020 diễn ra ngày 23/12, nhiều địa phương, doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần sớm ưu tiên kinh phí đầu tư thủy lợi cho các vùng cây ăn quả lớn.
Về xây dựng vùng nguyên liệu trong chiến lược phát triển rau quả, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đánh giá hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL, một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Sơn La… có tiềm năng trở thành những trung tâm lớn về ngành rau quả. Tuy nhiên, hạn chế rất lớn hiện nay ở các vùng này chính là thủy lợi, bởi ở các vùng này gần như đang trống thủy lợi giành cho cây ăn quả, rau màu…
Do đó, việc ưu tiên đầu tư cho thủy lợi phục vụ cho SX rau quả tại các vùng này trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Nếu có thủy lợi, triển vọng để Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Giang, Sơn La… và nhiều địa phương trở thành những vựa rau quả lớn, gắn với chuỗi giá trị XK là vô cùng lớn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Văn Thái, PCT UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng: Năm 2019, mặc dù vải thiều Bắc Giang mất mùa gần 40% về sản lượng, song giá trị XK tăng trên 20%, đạt trên 6.000 tỉ đồng so với năm 2018. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là vải thiều, nhiều sản phẩm cây ăn quả của tỉnh đang từng bước đi vào chiều sâu theo chuỗi giá trị.
Mới đây nhất, sau khi phía Nhật Bản đồng ý cho phép NK quả vải thiều từ Việt Nam, Bắc Giang cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh nhằm sớm triển khai đẩy mạnh XK vải thiều sang thị trường nhiều tiềm năng, giá trị cao Nhật Bản trong năm 2020.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với phát triển cây ăn quả của tỉnh, đó là hệ thống thủy lợi gần như chưa được đầu tư cho các vùng cây ăn quả, hoặc xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần giành sự ưu tiên đầu tư cho thủy lợi phục vụ cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống kênh mương cấp III hiện đã xuống cấp nghiêm trọng” – ông Dương Văn Thái đề nghị.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai cũng kiến nghị: Hiện nay, Gia Lai đang có định hướng nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh từ 15.000 ha hiện nay lên mức trên 40.000 ha. Việc phát triển cây ăn quả của Gia Lai hiện đang rất thuận lợi (cùng với dược liệu và lâm nghiệp), và đang là chủ trương định hướng lớn của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của tỉnh là chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi đáp ứng cho yêu cầu phát triển mới của các vùng cây ăn quả.
“Hiện mới chỉ có khoảng 42% tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh có nước tưới, vì vậy đầu tư cho thủy lợi, nhất là tại các vựa cây ăn quả lớn đang là yêu cầu rất cấp thiết” – ông Trang đề xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn