Nhiều lợi thế về mặt kinh tế
Điều tra sâu của IPSARD được tiến hành với 393 hộ nuôi gà, gồm có 229 hộ ở Hà Tây (cũ) và 164 hộ ở Đồng Nai - những nơi được xác định là vùng sản xuất gia cầm chính phục vụ cho 2 thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM. Các hộ này được chia thành nhóm 142 hộ nằm trong cụm chăn nuôi gia cầm tập trung và nhóm 251 hộ nằm ngoài cụm để so sánh làm nổi bật khác biệt giữa 2 hình thức chăn nuôi.
Hà Nội ngày càng có nhiều hộ đầu tư chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp.
Mặt khác, các hộ trong cụm chăn nuôi gia cầm tập trung còn giảm được chi phí sản xuất bằng cách liên kết với nhau để mua đầu vào với khối lượng lớn và hưởng ưu đãi. Đối với thức ăn chăn nuôi, khoản chi chiếm từ 62-77% tổng chi phí tùy theo từng loại gà, các hộ chăn nuôi trong cụm thường ký hợp đồng và mua trực tiếp từ nhà sản xuất với số lượng lớn, hoặc đóng tiền cho 1 hộ đứng tên như đại lý cấp 1 để nhập trực tiếp từ nhà máy và hưởng ưu đãi. Nhờ vậy, hộ trong cụm mua được thức ăn với giá trung bình thấp hơn tới 6% so với các hộ độc lập ngoài cụm. Các hộ trong cụm còn tận dụng đường giao thông tốt, chung nhau thuê xe tải chở vật tư đi sâu vào trong từng trại nuôi, giúp giảm chi phí vận chuyển. Các công ty cũng muốn ký hợp đồng với những trang trại trong cùng cụm để tận dụng lợi thế khi vận chuyển thức ăn, thu gom sản phẩm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát dịch bệnh.
Theo điều tra của IPSARD, hộ chăn nuôi trong cụm tập trung nhìn chung có năng lực kinh tế khá hơn các hộ ngoài cụm. Chỉ 57% số hộ trong cụm chăn nuôi tập trung phải vay vốn so với 75% những hộ ngoài cụm. Số tiền hộ trong cụm phải vay cũng ít hơn hộ đơn lẻ ngoài cụm, trung bình khoảng 317 triệu đồng/hộ trong cụm so với 420 triệu đồng/hộ đơn lẻ ngoài cụm. Ngoài ra, khi cần vay vốn, hộ chăn nuôi trong cụm có quy mô lớn hơn các hộ ngoài cụm nên dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay chính thức từ ngân hàng do họ sở hữu nhiều đất đai làm tài sản thế chấp.
Ít khác biệt trong bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi
Tuy có lợi thế về hiệu quả kinh tế, nhưng chăn nuôi tập trung trong cụm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ông Hạ Viết Sang - người chăn nuôi ở xã Tốt Động cho biết: “Do nằm giữa cánh đồng, thưa người lại nhiều cây cối, kênh mương nên xung quanh trại có rất nhiều chim hoang dã cư ngụ, dễ lây bệnh cho gà. Từ khi có dịch cúm H5N1, chúng tôi cũng cố gắng hạn chế các loài chim hoang bằng cách xây chuồng kín, nhưng chi phí làm chuồng kín rất tốn kém. Nhà tôi xây một chuồng nuôi 5.000 con mất 500 triệu đồng bao gồm cả thiết bị”. Do vậy, chỉ 54% các trại trong cụm xây chuồng kín để giảm nguy cơ lây bệnh từ chim hoang dã và trại khác; tỷ lệ này còn ít hơn so với 60% các hộ ngoài cụm xây chuồng kín, cho thấy các biện pháp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh gia cầm trong cụm chưa được thực hiện tốt.
Ngoài ra, có tới 94% hộ trong cụm và 100% hộ ngoài cụm không sử dụng găng tay khi cho gà ăn; 90% hộ trong cụm và 86% hộ ngoài cụm không sử dụng găng tay khi thu dọn phân và thức ăn của gà. Khi ra vào chuồng nuôi, chỉ 48% hộ trong cụm và 44% hộ ngoài cụm có thay quần áo bảo hộ và khẩu trang. Chỉ 25% số hộ trong cụm chăn nuôi tập trung xả nước thải chăn nuôi vào hầm xử lý tách biệt với chuồng nuôi, trong khi tỷ lệ này của hộ ngoài cụm là 21%. Khoảng 70% hộ trong cụm cũng như ngoài cụm xả thẳng nước thải ra nền đất cạnh chuồng nuôi, hệ thống thoát nước công cộng mà không qua xử lý.
Theo đánh giá của IPSARD, việc thành lập các cụm chăn nuôi gia cầm tập trung bằng cách chuyển các trại chăn nuôi gia cầm ra xa khu dân cư đã đạt được những thành công nhất định trong mục tiêu phát triển chăn nuôi công nghiệp. Các hộ trong cụm có điều kiện tốt hơn về cơ sở hạ tầng chung, giúp họ có thể ký hợp đồng gia công với các công ty. Các hộ này cũng hưởng lợi ích từ việc chia sẻ thông tin và hợp tác với nhau khi mua đầu vào và xây dựng hạ tầng chung. Tuy nhiên, cụm chăn nuôi tập trung vẫn chưa đạt được các mục tiêu về tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và vệ sinh môi trường so với các hộ nhỏ lẻ ngoài cụm.