Nếu thành công, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh ra môi trường, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ NN-PTNT, một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) lây lan nhanh, đó là tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn còn rất lớn, mật độ chăn nuôi dầy đặc, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng.
Mô hình nuôi lợn chuồng sàn không xả thải ra môi trường góp phần ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: MP. |
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do nguồn lực đầu tư có hạn, bởi vậy việc tuân thủ các giải pháp an toàn sinh học (đảm bảo khoảng cách cách ly, phun thuốc tiêu độc khử trùng...) chưa được quan tâm. Đây là lỗ hổng để virus dịch tấn công đàn lợn.
Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường (do thiếu công nghệ xử lý nước tiểu, phân thải) khiến mầm bệnh phát tán ra môi trường nhanh hơn.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, những gia trại, trang trại ven sông, kênh mương có nguồn nước chảy qua thường có nguy cơ lây lan dịch tả lợn cao hơn. Bởi, các chủ trang trại, gia trại thường lấy nước từ kênh mương, sông để vệ sinh chuồng trại, tắm mát cho lợn. Nếu trong nguồn nước có virus DTLCP, thì dàn lợn có nguy cơ cao lây nhiễm.
Do DTLCP chưa có vacxin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị. Do đó, muốn bảo vệ đàn lợn, thì việc tối quan trọng là phải cách ly gần như tuyệt đối với môi trường bên ngoài.
Tại Bắc Giang và Phú Thọ, dự án LCASP đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường. Sự khác biệt của mô hình này là sự tích hợp giữa công nghệ chăn nuôi chuồng sàn có bể chứa phân phía dưới; hệ thống làm mát không khí; hệ thống thu gom phân, ủ phân bón hữu cơ bằng men vi sinh; xử lý chất thải lỏng dư thừa bằng hầm biogas. Đây là môi hình chăn nuôi hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường.
Kể từ khi mô hình chuồng sàn được đưa vào sử dụng, mỗi ngày ông Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) khhông phải tốn nhân công để tắm cho đàn lợn và vệ sinh chuồng. Nhờ đó, lượng nước tiêu tốn giảm thiểu tối đa.
Trang trại nuôi lợn của ông Tô Hiến Thành vẫn bình yên trước “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: MP. |
“Nếu trước đây trang trại phải dùng bình quân 30 – 40 lít nước/lợn/ngày, thì hiện nay chỉ cần 6 – 10 lít nước cho một con lợn (chủ yếu phục vụ nhu cầu nước uống của lợn). Từ đó, lượng chất thải lỏng do hoạt động chăn nuôi rất ít. Tất cả đều được thu gom vào bể để ủ phân bón hữu cơ vi sinh”, ông Tô Hiến Thành – Giám đốc Hợp tác xã Trường Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Thành sử dụng toàn bộ thức ăn lên men tự chế biến cho đàn lợn ăn, qua đó vừa xử lý được mầm bệnh, vừa tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ. Đàn lợn sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Theo số liệu theo dõi của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, khả năng tăng trọng của lợn trong mô hình chuồng sàn của ông Tô Hiến Thành cao hơn 10 – 14%. Như vậy, ước tính trong 1 lứa lợn (thời gian 114 ngày) sẽ tăng lợi nhuận 600.000/đầu lợn.
Mặt khác, đây là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cung ứng cho cơ sở giết mổ, tạo ra sản phẩm thịt sạch cho chuỗi cửa hàng của HTX Trường Thành. Bởi vậy, ông Thành không sử dụng thuốc kháng sinh để chăn nuôi.
“Muốn làm được điều đó, thì điều quan trọng nhất là phải dùng nguồn thức ăn sạch, nước sạch, và hạn chế tối đa phương tiện, người lạ ra vào chuồng nuôi. Đồng thời, đào hố sát trùng trước cổng trang trại để hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh”, ông Tô Hiến Thành chia sẻ.
Đàn lợn an toàn giữa bủa vây dịch bệnh Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phải tiêu hủy trên 150.000 con lợn mắc bệnh do lở mồm long móng, tai xanh và dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, đàn lợn hơn 300 con của ông Tô Hiến Thành vẫn bình an vô sự. Mô hình này rất cần được nhân rộng, để giúp người chăn nuôi quản lý hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng Thái |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn