Không giống như các nơi khác, trâu ở miền Tây được nuôi chủ yếu để lấy sức kéo, rất ít người nuôi bán thịt. Trâu 3 tuổi có thể sinh con, kéo xe. Thông thường một con trâu mẹ có thể đẻ từ 5 đến 6 con nghé trải dài suốt đời.
Anh Võ Chí Tính, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nuôi 4 con trâu, cho biết: “Nhà tôi nuôi trâu đến nay đã 3 đời, từ đời ông nội đến đời tôi. Nuôi trâu chủ yếu để kéo lúa thuê cho nông dân, khi bán lại, giá mỗi con cũng vài chục triệu đồng”.
Ở miền Tây, vào mùa mưa các phương tiện cơ giới thường không vào được ruộng, rẫy, trâu là phương tiện vận chuyển lúa duy nhất. Ở đây, trâu 3 tuổi có thể tập kéo.
Đặc biệt là vào hai vụ thu hoạch lúa hè thu và vụ mùa, những vùng đất thấp không sử dụng được máy gặt đập liên hợp nên chỉ còn cách thu hoạch lúa thủ công từ thuê thợ cắt, thuê trâu kéo và tuốt lúa. Vào thời điểm này, 1 con trâu kéo lúa thường mang lại thu nhập 1 triệu đồng/ngày cho chủ.
Mỗi con trâu thường kéo một lần khoảng nửa công lúa bó đã thu hoạch. Nhưng với trâu "có kinh nghiệm" có thể kéo đến cả công lúa.
Trâu kéo cũng tùy theo độ tuổi mà có giá trị cao hay thấp. Thông thường trâu 3 năm tuổi khoảng 15 triệu đồng/con, 5 đến 7 năm tuổi giá trên 30 triệu đồng. Còn trâu lớn hơn lên đến trên 50 triệu đồng/con.
Ông Nguyễn Văn Giang, có 30 năm nuôi trâu kéo lúa thuê cho biết, thường một con trâu có thể kéo từ 6 đến 10 công lúa/ngày, trâu càng nhiều tuổi sức kéo càng lớn.
Để kéo được lúa, ngoài vật kéo là trâu còn phải có cộ để chở hay kê cho lúa không bị ướt và dễ lướt đi trên mặt ruộng. Cộ trâu chở lúa có 2 dạng, phổ biến nhất là cộ tre, còn lại là cộ làm bằng gỗ được đóng như chiếc chẹt chở máy chạy dưới sông.
Giữa cộ và trâu được nối bằng 2 đoạn tre khoảng 2m, có yếm dùng để treo cộ vào cổ của con trâu.
Khi vận chuyển trên đường, cộ sẽ được gắn bánh xe, việc vận chuyện trên đường chủ yếu là lúa bao, nông sản khác.
Giá kéo lúa hiện được tính từ 100.000 đến 150.000 đồng/công (tùy đường xa gần). Trung bình mỗi vụ, một con trâu kéo từ 100 đến 200 công lúa.
Anh Tính cho hay, những năm gần đây, máy gặt đập liên hợp trở thành phương tiện thu hoạch phổ biến ở vựa lúa miền Tây, nhưng trâu vẫn không "thất nghiệp", vì nhiều vùng đất trũng, lún, đất ngập nước... máy không thể vào được.
Nhiều người có kinh nghiệm kéo lúa chia sẻ, khi kéo lúa, đi kèm một con trâu phải có 2 lao động, vừa để điều khiển, vừa để lên lúa dễ dàng.
Không phổ biến như trâu, nhưng ở miền Tây vào vụ thu hoạch rộ, một số nơi nông dân cũng dùng bò kéo lúa.
Song bò chỉ kéo được lúa trên cạn, không như trâu có thể làm việc cả dưới ruộng đầy nước lẫn trên bờ.
Theo danviet.vn