Cử tri Đỗ Thị Xỉu ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang búc xúc về nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả làm hại sản xuất của bà con ở địa phương.
Trao đổi thẳng thắn
Tại ngày tiếp xúc cử tri tại 3 xã của huyện Bắc Quang gồm Đồng Yên, Vĩnh Phúc và Đông Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhận được hàng chục ý kiến, trao đổi thẳng thắn, kiến nghị với đại biểu Quốc hội những vấn đề "nóng" của tam nông, kinh tế - xã hội như: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nội đồng, kênh mương dẫn nước tưới tiêu nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, chính sách với người có công, gia đình chính sách; tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính cho HTX trong việc xin chuyển đổi quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất...
Là hộ tham gia sản xuất nông nghiệp ở Đồng Yên, trong mấy năm gần đây, gia đình bà Đỗ Thị Xỉu và nhiều hộ dân ở thôn Kè Nhạn thường xuyên gặp các điều bất thường khi sử dụng phân bón, phun thuốc trừ sâu khiến cây trồng bị thiệt hại nặng. Bà Xỉu và mọi người đang đặt nghi vấn có thể bà con đã mua phải phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng nên khi sử dụng để chăm sóc cây trồng đã gặp thật bại trong sản xuất.
"Bà con chúng tôi rất thiếu kiến thức về nhận biết, sử dụng, mua bán vật tư nông nghiệp, nhất là mặt hàng phân bón, thuốc BVTV. Thường ngày khi phát hiện cây trồng có biểu hiện lạ, bất thường, chúng tôi hay hái lá, mang mẫu bệnh cánh, cây đem đến các đại lý nhỏ, lẻ ở xã để hỏi, mua thuốc. Sau đó họ đưa thuốc gì thì chúng tôi mang về sử dụng loại thuốc, phân đó thôi.
Bởi vì thế mà bà con dễ bị mắc lừa, hãm hại. Hôm nay được gặp các đại biểu Quốc hội, chúng tôi rất mong các đại biểu kiến nghị Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có biện pháp mạnh tay để xử lý triển để thực trạng trên đảm bảo quyền lợi cho bà con ở Đồng Yên nói riêng và nông dân cả nước nói chung", bà Xỉu đề nghị.
Bên cạnh đó, cử tri Đỗ Thị Xỉu và bà con, cán bộ 3 xã cũng kiến nghị huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc phát triển cây cam, bưởi theo chuỗi giá trị để nông dân trên địa bàn đưa thường hiệu loại cây đặc sản này đi đúng hướng và dần vươn tới thị trường xuất khẩu.
"Cùng với việc hỗ trợ mở rộng diện tích, các cấp chính quyền, ngân hàng cần tiếp thêm vốn vay ưu đãi, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm... để bà con tự tin sản xuất, làm giàu tại quê nhà", cử tri Đỗ Thị Xỉu nói.
Cùng ý kiến trao đổi với nhiều cử tri, ông Nguyễn Hữu Tài ở xã Đồng Yên tỏ rất lo lắng khi rừng đầu nguồn, nơi cung cấp nguồn nước, không khí sạch... nuôi sống bà con ở địa phương mình đang ngày một mất dần. Theo cử tri Tài, trước đây rừng còn nhiều nguồn nước sạch cũng dồi dào luôn đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của bà con nhưng giờ đây "nguồn sống" quan trọng này đang thu hẹp, mất dần chỉ còn khoảng 20%, khiến cho bà con trên địa bàn khốn đốn, điêu đứng.
"Nếu địa phương và các đại biểu Quốc hội không sớm vào cuộc thì số diện tích rừng đầu nguồn còn lại sẽ hết, đồng nghĩa với việc "nguồn sống" của bà con sẽ mất, bà con không biết sẽ đi về đâu để tồn tại được", ông Tài ngậm ngùi.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang hiện có trên 9.000ha cam, trong đó có trên 5.100 ha cho sản phẩm. Trong đó, trên 3.500 ha được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, năng suất đạt 119 tạ một ha. Trong đó, huyện Bắc Quang có gần 4.200 ha diện tích đất trông cam.
Tính đến hết năm 2018, huyện Bắc Quang đã có gần 1.800ha cam được xác nhận sản xuất an toàn đảm bảo chất lượng VietGap. Tuy nhiên, theo cử tri Mạc Thị Vân, nông dân xã Đông Thành, một xã trọng điểm về trồng loại cây ăn quả này cho biết, dù mọi người đã cố gắng sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh, khó tiêu thụ. Bà con đang rất mong muốn được các đại biểu Quốc hội sớm tháo gỡ, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nhân dịp này, đồng chí Thào Xuân Sùng trao quà cho chính quyền địa phương và bà nhân dân các xã Đồng Yên và Đông Thành, huyện Bắc Quang.
Tháo gỡ nhiều vấn đề "nóng
"Phát biểu tại buổi tiếp xúc, người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của cử tri. Đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng, với điều kiện thổ nhưỡng, giao thông thuận lợi như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác thành những điểm mạnh của địa phương như phát triển rau màu, nấm…, đặc biệt là cây ăn quả đặc sản của địa phương như cam, bưởi.
Để làm được như vậy, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Hà Giang cần tập trung tái cơ cấu sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào trồng rừng, gắn bó với đất rừng để làm giàu từ rừng; quan tâm, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, đồng thời có kế hoạch hướng dẫn việc tái đàn, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Gợi mở giúp bà con và địa phương giữ lại rừng đầu nguồn, đại biểu Quốc hội Thào Xuân Sùng cho rằng: Chính quyền xã, Hội đồng nhân dân các xã có rừng đầu nguồn phải sớm ban hành các Nghị quyết, chính sách hỗ trợ cho bà con, các hộ ở cận, giáp rừng đầu nguồn có thể yên tâm sản xuất và bảo vệ rừng an toàn hơn.
Về phần mình, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Sắp tới, Trung ương Hội ND Việt Nam sẽ có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ bà con trong tiếp vốn, liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, trong thời gian tới, Hội sẽ ký kết với một tập đoàn sản xuất phân bón lớn để cung cấp sản phẩm phân bón chất lượng tốt, chất lượng nhất đến tận tay bà con hội viên, nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu.
Nói thêm về vấn đề tiêu thụ trái cây của địa phương, đồng chí Thào Xuân Sùng cho biết, để sản phẩm dễ tiêu thụ và có đầu ra ổn định, bên cạnh việc sản xuất, bà con phải quan tâm đến khâu thị trường. "Trước khi sản xuất chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ thị trường và phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường và liên kết với nhau theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn phải làm tốt quy hoạch, dự báo thị trường để giúp bà con yên tâm sản xuất, không lo đầu ra", đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam đã hứa sắp tới Hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Ngày hội cam Hà Giang tại Hà Nội để kích cầu tiêu dùng sản phẩm và xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp tiêu thụ tiếp cận được nguồn cung từ địa phương.
Sớm xử lý triệt để rác thải "bức tử" sông, suối Trong chuyển công tác đến các xã của huyện Bắc Quang (Hà Giang) tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, khóa XIV, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng đã đi thị sát vấn đề xử lý môi trường, xử lý rác thải tại địa phương này. Qua thực tế, đồng chí Thào Xuân Sùng tỏ ra rất lo ngại trước thực trạng các dòng sông, dòng suối chảy qua địa bàn các xã của huyện Bắc Quang, nhất là dòng sông Lô đang hàng ngày, hàng giờ tràn ngập, ùn ứ rác thải sinh hoạt làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng. Trước tình hình trên, người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các cơ quan, chính quyền huyện Bắc Quang và tỉnh Hà Giang nhanh chóng vào cuộc để xử lý triệt để vấn đề trên trả lại sự trong sạch cho các con sông, suối ở Bắc Quang nói riêng và Hà Giang nói chung. "Để làm được việc này, tỉnh Hà Giang cần đưa vấn đề xử lý, thu gom rác thải vào Nghị quyết và có biết pháp xử lý mạnh tay với các đơn vị, cá nhân vi phạm xả rác thải ra môi trường, ra sông, suối. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh, huyện đến các xã, thôn, bản cần đưa vấn đề này vào trong bình xét thi đua cá nhân, tập thể hàng năm. Nếu có đơn vị, cá nhân nào vi phạm phải hạ thi đua thật nặng mới có sức dăn đe và nêu gương trước toàn dân", đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn