Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục Trồng trọt đã nhận được 150 bộ hồ sơ đăng ký cấp phép kinh doanh phân bón nhưng mới chỉ phê duyệt được 21 hồ sơ.
Liên quan đến việc đăng ký kinh doanh phân bón, mới đây, Cục Trồng trọt đã có buổi làm việc với gần 100 DN tại TPHCM về vấn đề thủ tục đăng ký, cấp phép của DN trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.
Có DN cho rằng Nghị định về quản lý phân bón (Nghị định 202) có phần siết chặt điều kiện đối với các DN mới khi yêu cầu phải đầu tư rất lớn về nhà xưởng, máy móc, phòng thí nghiệm... do đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên DN phải đáp ứng được điều kiện đề ra thì mới có thể kinh doanh sản phẩm này.
Ngoài những sai sót có thể khắc phục ngay trong thủ tục làm hồ sơ, vấn đề DN “kêu” chính là Mục a Điều 8, Khoản 3 của Nghị định 202 quy định "công ty phải có đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên”.
Thực tế, nhiều lãnh đạo DN có chuyên môn về kinh doanh đứng lên thành lập DN. Sau đó, họ thuê cán bộ kỹ thuật phụ trách về chất lượng của sản phẩm. Nếu theo yêu cầu của Nghị định 202 thì cán bộ được thuê sẽ phải học tiếp các chuyên ngành hóa, lý, sinh... Điều này nhiều DN cho là không cần thiết.
Lý giải về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung cho biết trước mắt Cục sẽ hỗ trợ thông tin về các đơn vị đào tạo các chuyên ngành phù hợp để các lãnh đạo DN bố trí thời gian học tập nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết Cục Trồng trọt đã phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) rà soát lại toàn bộ Nghị định 202 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới.
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn