Ngành chăn nuôi Hà Tĩnh đang có những bước phát triển mang tính bước ngoặt, tổng đàn tăng nhanh, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm phần lớn cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Đặc biệt, với hàng loạt chính sách “kích cầu” hấp dẫn của tỉnh, chăn nuôi lợn được quy hoạch lại một cách đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, toàn tỉnh có 160 mô hình quy mô 500 con trở lên; hàng trăm mô hình quy mô vừa và nhỏ.
Chỉ có khuyến khích người chăn nuôi tham gia chuỗi khép kín thì mới kiểm soát tốt chất cấm trong chăn nuôi, giúp bà con xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. |
Năm 2015, 15 trại nái hình thành đi vào hoạt động cung ứng nguồn giống chất lượng cho địa phương, giảm áp lực khan hiếm giống và đặt nền móng cho việc hình thành chuỗi truy xuất nguồn gốc. Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, tỉnh đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh… phát triển các trang trại chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín “thức ăn chăn nuôi - trang trại chăn nuôi - nhà máy chế biến thực phẩm”.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của Hà Tĩnh cơ bản vẫn quy mô vừa và nhỏ (từ 20 đến dưới 500 con). Trong số này, chỉ một phần đứng được trong chuỗi của doanh nghiệp, còn phần lớn vẫn là do người chăn nuôi “tự bơi”, tự sản xuất và tìm đầu mối là thương lái để tiêu thụ. Theo xác minh của ngành chuyên môn, lợi nhuận sẽ tăng 40% so với bình thường nếu người chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Nguy cơ bất chấp luật định để thu lợi nhuận ở khâu này là rất cao.
Ông Đặng Ngọc Sơn khẳng định thêm, chỉ có khuyến khích người chăn nuôi tham gia chuỗi khép kín thì mới kiểm soát tốt chất cấm trong chăn nuôi, giúp bà con xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Với mô hình chuỗi, người chăn nuôi sẽ ký kết trực tiếp với doanh nghiệp, trong đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm “trọn gói” chất lượng sản phẩm từ đầu vào (thức ăn, quy trình kỹ thuật) đến đầu ra (thu mua, giết mổ) và thị trường. Nói cách khác, mối quan hệ trực tiếp giữa người sản xuất và doanh nghiệp sẽ giảm tối đa các khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm, cùng xây dựng chuỗi cung ứng an toàn có sự giám sát, quản lý của Nhà nước.
Những ngày cuối tháng 3/2016, người chăn nuôi lợn ở Cẩm Xuyên phấn khởi khi đón nhà đầu tư mới là Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội đồng ý hợp tác chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho những mô hình chưa có liên kết bền vững. Hiện tại, 600 con lợn thịt đầu tiên đã được xuất chuồng sau buổi xúc tiến thương mại do chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tổ chức.
Ông Hà Huy Đạt (thôn 9, Cẩm Hưng) cho biết: “Lâu nay, cứ đến ngày xuất chuồng là lại lo mất giá, lo bị thương lái ép rồi lo ế thì không biết lấy gì để bù vốn. Nhất là những con có trọng lượng lớn (trên 100 kg) rất “kén” người mua. Lần này, công ty mua một lúc 99 con với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với thị trường. Chúng tôi mừng lắm vì từ nay không phải lo đầu ra sản phẩm nữa”.
Tham gia mô hình liên kết chuỗi khép kín, doanh nghiệp sẽ trực tiếp cung cấp thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua lợn tại các hộ dân và khép kín đến tận quy trình giết mổ, tiêu thụ. Tất nhiên, người dân cần tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, đặc biệt, không sử dụng các loại hóa chất cấm, chất tạo nạc Salbutamol, Clenbutamol.
Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết: “Hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch rất cao. Tất nhiên, việc sản xuất một loại thực phẩm sạch, an toàn phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, được cơ quan giám sát và quản lý. Đối với những mô hình ký kết chuỗi với công ty, nếu người dân tuân thủ quy trình, chúng tôi đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm với giá ưu đãi hơn thị trường trôi nổi”.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp kết nối xây dựng chuỗi liên kết với các trang trại chăn nuôi là tín hiệu đáng mừng nhằm xây dựng thương hiệu thịt lợn Hà Tĩnh, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, những bài học thiếu bền vững đã từng xảy ra khi lợi ích các bên không dung hòa. Việc lựa chọn doanh nghiệp đảm bảo uy tín, đủ tiềm lực và đủ tâm huyết với người nông dân cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.
Theo Baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn