Thưa ông từ góc độ là một chuyên gia dành nhiều sự quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn nói chung, đời sống nông dân nói riêng, theo ông Chính phủ nên ưu tiên vấn đề gì để thúc đẩy phát triển nông thôn và đảm bảo đời sống cho nông dân?
Tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bên cạnh những mặt đã đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, đó là: mục tiêu ly nông bất ly hương chúng ta vẫn chưa thực hiện được.
Về nông thôn bây giờ nhiều làng quê rất đẹp, đạt danh hiệu NTM rồi nhưng hoang vắng vô cùng. Trước còn có người già và trẻ em, nhưng giờ người già cũng theo con lên thành phố sinh sống, hoặc những người còn sức khỏe thì đi làm thêm, làm giúp việc. Họ nói, lương làm giúp việc ở thành phố cao gấp nhiều lần làm nông ở quê.
Thứ hai: ruộng đất vẫn bị bỏ hoang nhiều, mà không phải là những diện tích đất xấu ngược lại, đa phần là những ruộng “đẹp”, rất thuận tiện cho việc canh tác nhưng vẫn bị bỏ hoang. Điều đó phần nào minh chứng cho việc người dân nông thôn rời bỏ quê hương vì mức sống và điều kiện sống chưa thật đảm bảo.
Vậy thì chúng ta cần giải quyết vấn đề gì? Theo tôi, phải có những giải pháp nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao chất lượng sống để “níu” chân người dân ở lại các vùng quê trù phú. Thứ nhất phải xác định cho được: nền nông nghiệp Việt Nam đi theo hướng nào? Đó chính là nền nông nghiệp sạch theo định hướng thị trường, phải sạch từ khâu giống, khâu chế biến, bảo quản, cung cấp thức ăn, cây giống…
Thứ hai: cần làm tốt công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Họ làm ra mà không tiêu thụ được sẽ dẫn đến thua lỗ, chán nản, chán ruộng, rồi lại bỏ lên thành phố… Nếu vòng tròn đó mãi luẩn quẩn thì chúng ta không thể nào mơ về những “vùng quê đáng sống” được.
Thứ ba cũng là vấn đề quan trọng nhất, đó là giải quyết triệt để những vướng mắc trong chính sách đất đai, chừng nào người dân chưa ổn định trên chính mảnh đất canh tác của mình thì họ chưa thể yên tâm sản xuất được.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT
Thế thì theo ông đâu là những vấn đề mà Chính phủ cần giải quyết trước tiên?
Phải có chính sách rõ ràng để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xử lý tốt vấn đề môi trường nông thôn, đây không đơn thuần là vấn đề môi trường sinh thái, mà ngay cả môi trường xã hội cũng phải được quan tâm lớn. Chúng ta đã có nhiều bài học từ các nước phát triển khi họ phải quay lại tái tạo nông thôn trước cơn bão quá mạnh của đô thị hóa. Nếu không tính toán hợp lý chúng ta sẽ phải trả giá đắt.
Ông đánh giá thế nào về sáng kiến tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân của Báo NTNN/Dân Việt?
Tôi rất vui mừng trước sáng kiến này của Hội Nông dân VN cũng như báo NTNN/Dân Việt. Sau cuộc đối thoại đầu tiên ở Hải Dương vào năm ngoái, nhiều ý kiến, kiến nghị của nông dân đã được Thủ tướng tiếp thu và giải quyết. Dù nhiều vấn đề chưa thể rốt ráo ngay được nhưng đó cũng là tín hiệu rất tích cực của người đứng đầu Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các vấn đề nông nghiệp – nông thôn – nông dân.
Và điều quan trọng hơn, thông qua các cuộc đối thoại này đã tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, góp phần tăng cường kết nối, liên kết, hình thành mối quan hệ giữa nhà nông và các nhà khác.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT: Trong thời gian qua nông nghiệp VN phát triển rất tốt, xuất khẩu tăng nhanh, đưa VN từ nước bình thường sau đổi mới thành cường quốc xuất khẩu trên thế giới, tuy nhiên cản trở lớn nhất với người nông dân hiện tại vẫn là vấn đề thị trường. Làm sao để nông dân có nơi tiêu thụ nông sản, giá cả đảm bảo… theo tôi đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này thì câu chuyện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, với nhà bank, nhà khoa học…. sẽ giúp nông dân tiếp thu được khoa học, đồng thời có được đẩu ra trong tiêu thụ nông sản, có thể tiếp cận được với nguồn vốn để yên tâm đầu tư sản xuất. Những mối liên kết này cực kỳ quan trọng, chính vì thế mà những Hội nghị như Thủ tướng đối thoại với nông dân ngoài việc thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thì quan trọng hơn đây chính là dịp để người nông dân chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của họ. Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều chính sách về liên kết, thậm chí có hẳn một nghị định về liên kết. Tuy nhiên, nhiều nghị định, chính sách chưa đi vào thực tế; thế thì chính những Hội nghị như thế này sẽ là cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, kể cả các nhà phân phối, đầu tư… chia sẻ với Thủ tướng và hy vọng Thủ tướng sẽ có những quyết sách đúng đắn, hợp lý để tăng cường liên kết bền chặt giữa các nhà với nhau.
TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện chính sách Chiến lược NNPTNT: “Điểm yếu nhất của nông dân Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn bó. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân của chúng ta có trình độ khoa học công nghệ nghệ, thay nghề yếu, thiếu gắn bó với thị trường. Đây cũng là yếu tố khiến cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trở nên khó khăn. Để khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, chúng ta trông đợi ở Chính phủ, Nhà nước bằng những biện pháp thông qua các chính sách mang tính đột phá, có thể tạo điều kiện để kinh tế hợp tác phát triển. Nông dân phải tổ chức lại với nhau trong HTX, trong các cộng đồng để trở nên mạnh hơn, khỏe hơn, lớn hơn để có thể đủ sức, ngang hàng phối hợp với các thành phần khác, vươn lên đưa đất nước phát triển”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn