Ẫn phẩm về công nghệ sinh học nêu lên 19 trường hợp nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản được viết bởi các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Các bài viết mô tả thực tế và kinh nghiệm thực tế của việc nghiên cứu công nghệ sinh học và áp dụng ở các hộ trồng chuối, sắn, lúa, chăn nuôi gia súc, nuôi tôm quy mô nhỏ tại các nước đang phát triển. Các nghiên cứu chỉ ra một loạt các kỹ thuật công nghệ sinh học được áp dụng, bao gồm các kỹ thuật truyền thống như thụ tinh nhân tạo và lên men, và các kỹ thuật tiên tiến liên quan đến các phương pháp dựa trên DNA nhưng không áp dụng kỹ thuật biến đổi gien. “Với các thể chế và các giải pháp tài chính đúng đắn, các chính phủ, các viện nghiên cứu và các tổ chức có thể hỗ trợ mang lại các giải pháp công nghệ sinh học cho các hộ gia đình nông dân, nâng cao năng lực của người nông dân trong việc ứng phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, các dịch bệnh ở thực vật và động vật và sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên”, ông Andrea Sonnino, Giám đốc nghiên cứu của FAO cho biết.
Bốn trường hợp nghiên cứu là ở Ấn Độ, hai trường hợp nghiên cứu ở Trung Quốc và mỗi quốc gia sau đều có một trường hợp nghiên cứu là Ác-hen-ti-na, Băng-la-đét, Bra-xin, Ca-mơ-run, Cô-lôm-bi-a, Cu-ba, Gha-na, Ni-giê-ri-a, Nam Phi, Sri Lan-ca, Tanzania và Thái Lan. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kiến thức về DNA để phát triển một giống lúa chịu lũ lụt ở Ấn Độ với sản lượng tiềm năng cao hơn từ 1-3 tấn mỗi ha so với các giống lúa được sử dụng trước đó trong điều kiện lũ lụt. Sau khi được đưa ra vào năm 2009, giống lúa mới Swarna - Sub1 đã được 3 triệu nông dân sử dụng trong năm 2012. Các giống lúa chịu được ngập úng cung cấp cơ hội để cải thiện và ổn định sản lượng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, góp phần quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Uma Singh và các đồng nghiệp từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI ) đã thực hiện nghiên cứu này.
Ở Trung Quốc, cá chép Jian đã được lai tạo dựa trên biện pháp chọn lọc di truyền. Cá chép Jian hiện nay được nuôi ở khoảng 160.000 trang trại nuôi cá và chiếm hơn 50% sản lượng cá chép ở Trung Quốc. Ở miền Bắc Cameroon, việc sử dụng các công cụ chẩn đoán dựa trên DNA trong lĩnh vực này cho phép các cơ quan thú y nhanh chóng chẩn đoán sự bùng phát của dịch sốt trên động vật nhai lại, một căn bệnh do virút gây ra rất dễ lây lan ảnh hưởng đến dê và cừu. Việc chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác giúp dập tắt các ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh gây tử vong cho đàn gia súc khác. “Nếu không có phản ứng nhanh này, hàng ngàn con cừu và dê có khả năng đã chết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế”, Abel Wade và Abdoulkadiri Souley thuộc Phòng thí nghiệm thú y quốc gia (LANAVET) ở Ca-mơ-run cho biết.
Công nghệ sinh học có thể cải thiện cây trồng, sinh kế chăn nuôi và thủy sản bằng cách thúc đẩy năng suất và tăng cường tiếp cận thị trường. Việc giới thiệu công nghệ sinh học mới ở các trang trại gia đình cũng có thể giúp giảm chi phí sản xuất và cải thiện quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Các nghiên cứu đưa ra giúp hỗ trợ hoạch định chính sách trong việc đưa ra quyết định về các chương trình liên quan đến công nghệ sinh học. Tuyên bố của FAO cũng cho thấy quan hệ đối tác quốc tế và quốc gia là rất quan trọng để đạt được các kết quả mong muốn như là chia sẻ các nguồn tài nguyên về mặt di truyền, kỹ thuật và bí quyết qua biên giới quốc gia và lục địa.
Theo Viện KHKT NN Miền Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn