Trong số các doanh nghiệp thu mua vải thiều và ứng dụng công nghệ cao bảo quản trái cây trong tháng 6 vừa qua, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Sóng Đại Dương (Công ty Ocewa) bắt đầu được biết đến với việc ứng dụng thành công công nghệ bảo quản Point Warp (công nghệ của Nhật Bản) trên quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Công nghệ bảo quản không đóng đá
Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ocewa cho biết: Nông sản của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn được người tiêu dùng ở trong và ngoài nước ưa chuộng bởi màu sắc, hương vị và chất lượng rất thơm ngon. Nhưng thực tế, các mặt hàng nông sản lại thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”, người nông dân lao đao, khốn khó với đồng vốn không quay vòng được, nợ ngân hàng phải trả, chưa tính đến việc lời lãi. Để gia tăng chuỗi giá trị trái vải, cần phải giữ tươi được lâu hơn.
“Xuất phát từ mong muốn cùng nông dân thay đổi thực trạng này, Công ty Ocewa đã hợp tác với một số công ty của Việt Nam và đối tác của Nhật Bản để triển khai công nghệ bảo quản không đóng đá Point Warp. Đến nay việc ứng dụng công nghệ bảo quản trên quả vải đã đạt những thành công bước đầu. Mong muốn của chúng tôi là giúp nông dân kéo dài thời gian tiêu thụ các sản phẩm do mình làm ra và nâng cao giá trị nông sản Việt, hướng đến thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng”- ông Phạm Thanh Tùng nói.
Công nghệ bảo quản không đóng đá Point Warp mà Công ty Ocewa đang ứng dụng, theo ông Tùng, “có ưu điểm nổi bật là giữ cho các loại trái cây, hoa quả, thực phẩm luôn tươi nguyên như vừa mới thu hoạch trong thời gian từ vài tháng đến vài năm, sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng chất bảo quản, tiết kiệm điện năng, giá cả phù hợp với mức đầu tư của người Việt Nam. Nếu duy trì tốt sẽ kéo dài thời gian bảo quản nông sản cho bà con nông dân, khắc phục tính thời vụ của nông sản, giảm phụ thuộc vào thương lái và tăng thu nhập cho nông dân”.
Phát huy “vũ điệu” doanh nghiệp - nhà nông
Trở lại câu chuyện vải thiều tỉnh Bắc Giang, với tổng diện tích khoảng 32.000ha vải, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay của Bắc Giang ước đạt hơn 150.000 tấn quả tươi. Trong đó, vải tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 90.000 tấn; xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 60.000 tấn. Cho dù năm nay trái vải đã bắt đầu vượt biển đến Australia, Mỹ, Malaysia và một vài nước châu Âu, thị trường xuất khẩu chính của loại trái cây này cơ bản vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán vải thiều tại vườn về cơ bản đã không còn tụt sâu thảm hại như năm ngoái. Vải thiều năm nay, giá bán có lúc lên tới 25.000- 35.000 đồng/kg, bình quân khoảng 15.000 đồng/kg trở lên.
Các diễn biến trên thực tế cho thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân, cũng như việc nông dân và doanh nghiệp bắt tay nhau cùng sản xuất, phân phối đã cho kết quả tốt hơn. Kết quả này có sự cộng hưởng của các yếu tố: Một là người trồng và chăm sóc vải theo đúng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; hai là nhờ có công nghệ bảo quản sau thu hoạch khi các doanh nghiệp vào cuộc và mở ra những hướng xuất khẩu mới. Riêng Công ty Ocewa, trong tháng 6 vừa qua đã tiến hành thu mua số lượng vải thiều khá lớn ở Bắc Giang và số lượng vải thiều này đang được bảo quản bằng công nghệ Point Warp (ông Tùng không công bố khối lượng đã thu mua - PV).
Bên cạnh Công ty Ocewa, một số doanh nghiệp khác cũng đang áp dụng và triển khai công nghệ bảo quản nông sản để gia tăng giá trị kinh doanh. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã đầu tư một xưởng đóng gói ngay tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Xưởng có kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn với công nhân được tập huấn chuẩn quy trình, công suất đóng gói có thể đạt đến 40 tấn/ngày. Tính đến ngày 15.6.2015, công ty này đã thu mua, xuất khẩu gần 10 tấn vải thiều Hải Dương, trong đó xuất sang Australia khoảng 3 tấn, sang Mỹ khoảng 1 tấn, sang EU khoảng 1 tấn và Canada 50kg...
Điều đó cho thấy, một khi vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, thì những câu chuyện “được mùa mất giá” như hành tây Đà Lạt, hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi… sẽ có cơ hội tìm ra giải pháp thỏa đáng và hướng đi đúng đắn, từ đó gia tăng chuỗi giá trị của mỗi ngành hàng, để không chỉ nông dân, mà cả doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng được hưởng lợi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn