Bắt đầu từ đầu tháng 10 (Âm lịch) là những cây sầu đâu ở Châu Đốc lại thay lá, ra hoa, người dân nơi đây được mùa thu hoạch và thưởng thức món đặc sản gỏi sầu đâu khô cá sặc.
Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều nhất ở vùng Châu Đốc - An Giang, Hà Tiên - Kiên Giang... Nếu có dịp ghé chợ Tri Tôn (Châu Đốc - An Giang) hoặc Hà Tiên - Kiên Giang, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều bó lá và hoa sầu đâu được bán khắp chợ.
Cây sầu đâu có hoa màu trắng, lá có vị đắng. Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm. Sầu đâu hay còn được gọi là "sầu đông" hoặc "cây xoan", mọc rất nhiều ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang. Cần phân biệt cây sầu đâu mọc ở miền Tây và sầu đâu (sầu đông) mọc ở miền Trung. Cây mọc ở miền Trung lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có hoa màu trắng xanh, lá màu xanh vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt.
Hằng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 Âm lịch là thời điểm cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa, thường được người dân mua về để trộn chung với các nguyên liệu khác như khô cá sặc, thịt ba chỉ, tôm luộc, dưa leo, xoài sống, các loại rau thơm... tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng chỉ có ở những vùng đất này.
Món gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia, dùng như một món rau trong bữa cơm hằng ngày. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua những gia đình người Khơ me sinh sống ven biên giới Việt Nam như ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang...
Người sành ăn món này cho rằng sầu đâu ngon nhất là hoa và lá non. Vì vậy để chế biến món ăn này, nguyên liệu chính là lá non và hoa sầu đâu. Do loại lá có vị rất đắng nên người dân đã biết cách tiết chế vị đắng bằng cách sau khi lặt những lá non, rửa sạch, rồi cho lá vào nồi chần qua nước sôi để giảm vị đắng (khi chần nên cho ít muối vào để giữ màu xanh của lá). Tuy nhiên, nếu muốn giữ trọn vẹn vị đắng của sầu đâu thì không cần trụng qua nước sôi, mà chỉ ướp nước đá cho lá sầu đâu được tươi giòn.
Khô cá sặc là một thành phần chính của món ăn.
Ngoài lá và hoa sầu đâu, còn có các nguyên liệu kèm theo để cho ra một đĩa gỏi sầu đâu ngon lạ như khô cá sặc nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc chín cắt miếng và dưa leo rửa sạch bàu mỏng, ớt thái mỏng để trang trí cho món thêm đẹp mắt. Sau khi nguyên liệu được chuẩn bị xong, trộn tất cả với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên trên, rồi trộn lại thật đều một lần nữa cho gia vị thấm trước khi bày ra đĩa.
Một thành phần quan trọng làm nên vị ngon lạ cho món chính là nước mắm me chua ngọt để chấm cùng. Cho ít nước vào hỗn hợp tỏi ớt giã nhuyễn và đun đến khi vừa ấm thì cho mắm me vào dầm đến khi me tan đều, nêm thêm ít đường và nước mắm sao cho hài hòa các vị chua, cay, mặn, ngọt. Tiếp tục khuấy đều tay và đun sôi hỗn hợp cho đến khi nước chấm kẹo lại là ngon.
Món gỏi này có thể dùng kèm với cơm nóng rất ngon miệng. Gắp một miếng gỏi gồm khô cá sặc, thịt ba chỉ kẹp với dưa leo và đặc biệt là lá sầu đâu, rồi chấm với một ít nước mắm me chua ngọt, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng thanh kết hợp vị chua của nước chấm. Người sành ăn món này cho rằng, khi ăn mới đầu có cảm giác đăng đắng ở lưỡi, nhưng khi nhai thật kỹ nuốt vào thì lại có cảm giác ngọt thanh trong cuống họng, càng ăn càng nghiện. Món ăn tuy dân dã, không cầu kỳ, nhưng lại mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị.
Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt. Theo dược sĩ Lê Kim Phụng (Đại học Y Dược TP.HCM) thì cây sầu đâu từ lâu đã được người Ấn Độ dùng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét… Riêng nước sầu đâu dùng uống để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp… Còn theo kinh nghiệm dân gian thì đọt sầu đâu có thể làm mát gan, chống giun và trị nhức mỏi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn