Kết thúc đợt âm u, mưa dầm gần 20 ngày, thời tiết đã chuyển sang hửng nắng khoảng 3 ngày nay. Tuy nhiên, chỉ thật sự nắng nóng kể từ trưa chiều, còn sáng sớm lại xuất hiện hiện tượng sương mù dày đặc. Điều này khiến cho công tác phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa gặp khó khăn. Vì thế mà 3 sào ruộng Xi 23 của anh Nguyễn Văn Thành (xóm Liên Vinh, Thạch Đài, Thạch Hà) mặc dù được phát hiện sớm, phun thuốc phòng trừ kịp thời nhưng vẫn chỉ có thể… cắt về cho trâu, bò ăn phần nhiều.
Bà con xã Đức Yên (Đức Thọ) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa. |
Anh Thành cho biết: “Bệnh xuất hiện khoảng 1 tuần trước. Tôi đã phun thuốc phòng trừ ngay nhưng thời điểm đó, mưa phùn ẩm ướt nên phun cũng như không, thuốc chẳng bén lá, còn làm cho bệnh lan nhanh hơn. Chỉ sau mấy ngày, trong số 3 sào nhiễm bệnh thì có 1 sào gần như không thể phục hồi”. Từ giống Xi 23, bệnh đạo ôn lan rộng và “ăn” sang nhiều trà giống khác của địa phương này. Bà Nguyễn Thị Sơn (xóm Nam Thượng) cho hay: “Không chỉ trên giống X, bây giờ, mấy sào lúa BTE1 đều bị nhiễm bệnh. Tôi đã phun 2 lần, bệnh có giảm nhưng sương mù dày đặc, đêm thỉnh thoảng có mưa nên lo lắm. Không trừ triệt để thì thể nào cũng “dính” đạo ôn cổ bông. Đến lúc đó thì rơm cũng chẳng có chứ nói gì đến hạt”.
Đó cũng là nỗi lo của bà con xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) trong những ngày qua. Nhiều năm nay, xã chủ trương không cơ cấu trà xuân trung, thay vào đó là những cánh đồng 100% trà xuân muộn. Tránh được “ổ nhiễm” Xi 23 thì đạo ôn lại gây hại trên KD 18, XM 12, thậm chí, lây lan sang một số giống mới khác của trà xuân muộn. Chị Trương Thị Khánh (xóm Trung Trạm) cho biết: “Lúc đầu, cánh đồng chỉ xuất hiện vài vệt đen trên lá, thế mà, chỉ vài ngày là đạo ôn đã “ăn” trắng đồng. Theo hướng dẫn của xã, tôi đã mua đúng thuốc. Có điều, mấy ngày mưa phùn, ẩm ướt, phun chẳng qua là để yên tâm hơn, chứ hiệu quả không được mấy”. Hiện nay, Cẩm Xuyên đã có gần 60 ha bị nhiễm, tất cả đều được bà con phun thuốc phòng trừ, trong đó, 10 ha đã phun lần 2.
Theo số liệu điều tra mới nhất, diện tích nhiễm đạo ôn toàn tỉnh gần 700 ha với tỷ lệ trung bình từ 3-5%, nơi cao 10-20%. Bệnh gây hại nặng nhất và rộng nhất ở các địa phương cơ cấu trà xuân trung lớn như: Thạch Hà, Hương Sơn và TP Hà Tĩnh. So với cùng kỳ năm trước, thời gian bắt đầu phát sinh bệnh không sớm hơn nhưng ngắn hơn và diện tích nhiễm cao hơn (2014 gần 400 ha). Trong số này có khoảng 60 ha bị nhiễm nặng, một số nơi còn xảy ra cháy cục bộ như: Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn, Đức Thọ…
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Điều đáng mừng là các địa phương đã chủ động phương án tuyên truyền sâu rộng trong bà con nông dân về diễn biến và nguy cơ của bệnh dịch. Theo đó, chỉ đạo phun phòng trừ tập trung, đúng thời điểm và loại thuốc được khuyến cáo. Đến nay, đã có trên 1.500 ha được xử lý thuốc lần 1 và 300 ha phun lần 2. Thời điểm lúa đẻ nhánh chính là nguy cơ nhãn tiền gây ra bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời thì bệnh có thể gây thiệt hại nặng nề đến năng suất, thậm chí là mất trắng. Tốt nhất, bà con nên thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện. Tuyệt đối không được bón đạm hoặc các loại phân bón có chứa đạm; duy trì mực nước hợp lý trên ruộng; tiến hành phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc đặc trị”.
Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì mặc dù trời đã ấm lên nhưng vẫn chưa hết lo ngại do kiểu thời tiết sương mù vào sáng sớm còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nguyễn Oanh - Chính Thu
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn