An toàn và hiệu quả trong việc sử dụng thuốc BVTV là vấn đề cần được quan tâm hôm nay.
Theo báo cáo kết quả năm đầu tiên thực hiện chương trình "Phát triển bền vững toàn cầu" mới được công bố gần đây của Tập đoàn Syngenta, năm 2014 có 4,7 triệu lượt người (*) ở các nước đang phát triển được tập đoàn tập huấn sử dụng an toàn thuốc BVTV.
Syngenta cũng bắt tay vào việc thiết lập hệ thống đo lường mức tiến bộ trong tiếp thu kiến thức, thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân sau khi tham gia các chương trình tập huấn này.
Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho con người - một trong những trọng tâm của chương trình "Phát triển bền vững toàn cầu", Syngenta cam kết nâng cao nhận thức của người nông dân về những rủi ro và nguy cơ có thể phát sinh từ SX nông nghiệp, đồng thời chia sẻ kiến thức quản lý rủi ro và ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra.
Cùng với các đối tác cũng như hệ thống đại lý phân phối sản phẩm tại các địa phương trên toàn cầu, qua từng năm, số người được Syngenta đào tạo ngày càng tăng cao, trong đó bao gồm các nông hộ nhỏ (**), lao động làm thuê trong nông nghiệp, chủ ruộng, chuỗi đại lý phân phối sản phẩm, nhân viên trong Cty cùng những đối tượng khác có thể tiếp xúc với thuốc BVTV trong quá trình làm việc.
Cuối tháng 4/2015 vừa qua, Cty Syngenta VN đã tổ chức “Ngày sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả” tại Nam Định với sự tham gia của gần 100 nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp cấp xã, trong đó bà con được đào tạo về sử dụng thuốc và tham quan hệ thống bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV trên cánh đồng tại xã Tân Thịnh (Nam Trực) và Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa lai Nam Định. Đây là một trong những hoạt động mà Cty đang hướng đến tại rất nhiều địa phương trong cả nước.
Nội dung đào tạo tập trung vào quy tắc "4 đúng" trong sử dụng an toàn thuốc BVTV giúp từng cá nhân tham gia vào chuỗi SX nông nghiệp nâng cao hiểu biết và thực hành đúng khi tiếp xúc hoặc sử dụng thuốc BVTV, giúp an toàn cho bản thân, cộng đồng và môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả của thuốc BVTV trong kiểm soát dịch hại.
Với sự tham gia đông đảo của nông dân, thông qua các hoạt động tại đồng ruộng, tập huấn về sử dụng an toàn thuốc BVTV được Syngenta chia ra làm các loại hình sau: Tập huấn thường quy: Với các nội dung tập huấn khác nhau, trong đó có ít nhất 15 phút được phân bổ cho việc truyền tải quy tắc "4 đúng" nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân.
Tập huấn chuyên sâu: Chú trọng vào các quy tắc trên với thời gian tối thiểu là 60 phút.
Đào tạo giảng viên: Trong thời gian một ngày để đảm bảo nông dân nắm vững kiến thức và có thể đứng lớp truyền đạt lại một cách đầy đủ, hiệu quả cho những nông dân khác.
Ông Phạm Văn Mây, trưởng thôn Đại Đồng, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, Hải Dương đã tham gia tích cực vào các chương trình tập huấn của Syngenta từ hơn 10 năm nay cho biết: “Trước đây nông dân chúng tôi hầu như “mù tịt” kiến thức về phun thuốc nên phun bừa bãi, cùng một loại sâu bệnh mà phun đến 5 - 6 lần, phun quá nhiều dẫn đến đủ thứ tác hại như tăng số lần tiếp xúc với hóa chất, tăng chi phí nhân công, tăng dư lượng thuốc thải ra môi trường mà lại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Từ ngày có cán bộ Syngenta về tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn từng ly từng tí thì nông dân đã tiến bộ rất nhiều.
An toàn và hiệu quả trong việc sử dụng thuốc BVTV là vấn đề cần được quan tâm hôm nay. Với ý nghĩa này, mục tiêu của Syngenta là đào tạo cho 20 triệu người sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn và hiệu quả tính đến năm 2020.
Nông dân ngày nay hầu hết đều tin vào khoa học nên chúng tôi nghe xong là thực hành ngay. Một ví dụ cụ thể là khi sử dụng xong chai thuốc thì chúng tôi mang vỏ chai về bỏ vào bao rác tại nhà chứ không vứt bừa tại ruộng như trước đây nữa”.
Một lão nông khác đã có thâm niên 40 năm trồng lúa, ông Nguyễn Văn Sơn, ấp Phú An 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) hồ hởi chia sẻ: “Trước đây khi ra ruộng xịt thuốc là cứ ráng làm cho xong, bất kể thời gian trưa, chiều, tới chừng thấy đói thì về nhà rửa tay sơ sơ rồi ăn luôn chứ không tắm gội chi hết. Nay thì khác rồi”.
Xịt thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh thuốc bốc hơi vào buổi trưa khi trời nóng, mặc bảo hộ lao động đầy đủ, ăn no, không xịt thuốc ngược chiều gió, rửa tay, tắm gội sạch sẽ ngay sau khi đi xịt thuốc về là những kiến thức được ông kể ra rành rọt như đã thuộc lòng từ lâu.
Ông Sơn cho biết, tất cả những nông dân khác được mướn làm trên 7 ha ruộng của gia đình đều được ông hướng dẫn lại cụ thể trước khi họ mang bình xịt ra đồng.
Một bước tiến của chương trình là trong năm 2015, Syngenta sẽ phối hợp cùng các đối tác bắt tay vào thiết lập hệ thống đo lường hiệu quả của các hoạt động tập huấn này đối với nhận thức, thói quen và hành vi của người nông dân, qua đó đánh giá được ý nghĩa thực tế của chương trình.
(*) Con số được báo cáo cho giai đoạn từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014. Các số liệu được tổng hợp theo vùng lãnh thổ và bao gồm tổng số nông hộ nhỏ cũng như tổng số người được tập huấn.
(**) Nông hộ nhỏ: Được hiểu là những hộ nông dân có diện tích canh tác ít hơn 2 ha. Tuy nhiên, khái niệm này sẽ thay đổi tùy theo điều kiện đất đai canh tác và định nghĩa phù hợp ở từng quốc gia.
Theo: nongnghiep.vn