Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn đã đồng chủ trì Hội nghị “Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)".
Ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, giới thiệu những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nêu định hướng một số nội dung cần thảo luận, trong đó lưu ý một số những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; giá đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ sử dụng các loại đất và chính sách quản lý, sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiêu số.
Nhiều điểm mới
Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất ý kiến với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt là những quy định mới so với Luật Đất đai 2003 như: Chương I, bổ sung trường hợp người sử dụng đất là tổ chức kinh tế liên doanh, quy định về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất đất và người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý (điều 7). Về phân loại đất (điều 9), sửa đổi quy định cụ thể về căn cứ xác định loại đất để làm cơ sở cho việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi, tính thu các khoản nghĩa vụ về đất đai (điều 10); Bổ sung quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như "sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (khoản 1 điều 11)...
Điểm nổi bật đáng chú ý trong Dự thảo Luật Đất đai quy định tại chương X, đó là điều chỉnh thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó với đất đai, yên tâm đầu tư SX. Điều này đáp ứng nguyện vọng và tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô SX phù hợp SX lớn. Dự thảo quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân tăng lên với với mức tối đa gấp 10 lần hạn mức giao đất cho hộ gia đình và cá nhân. Đây cũng là điểm mới phù hợp với thực tiễn SX, nhất là trong điều kiện cơ giới hóa, SX lúa hàng hóa như cánh đồng mẫu lớn đang mở rộng ở các tỉnh ĐBSCL.
Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nông dân được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp thời hạn 50 năm
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN-MT Cần Thơ cho rằng: Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Trong đó vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện thu hồi đất vừa qua là do chênh lệch giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất trong trường hợp được thỏa thuận với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Bình Tân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu bày tỏ: Thống nhất cao hầu hết những nội dung về điều khoản quy định mới. Trong Dự thảo Luật Đất đai, có làm rõ quyền và chủ thể sử dụng, tháo gỡ những khó khăn về thực tiễn về giá đất trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân sau khi thu hồi đất. Về chương II, điều 1: Quy định quyền sở hữu toàn dân là phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam. Vừa qua người dân quan tâm chính là đất đang sử dụng có bị Nhà nước thu hồi hay không, thu hồi có đền bù thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.
Dưới góc độ nghiên cứu luật, TS Phan Trung Hiền, Phó trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ, có ý kiến: Dự thảo Luật Đất đai có nhiều điểm tiến bộ rõ rệt trong việc quyết định thu hồi đất, bổ sung những điều về thu hồi đất, có đưa ra 2 phương án về giá đất. Tôi ủng hộ phương án 2 về giá đất có xác định theo cơ chế thị trường. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu tán thành.
Vướng mắc cần tháo gỡ
“Thông qua ý kiến đóng góp của đại diện các tỉnh ĐBSCL cho thấy xuất phát từ hoạt động thực tiễn ở vùng ĐBSCL, Bộ TN-MT tiếp thu và xem xét các ý kiến đóng góp. Trong thời gian đóng góp ý kiến, các tỉnh, thành phố sớm hoàn tất công tác lấy ý kiến cho dự thảo", Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. |
Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (từ điều 50 đến điều 58 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Hiền cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiếu những quy phạm bảo đảm bình đẳng giữa các loại dự án. Thứ nhất, dù có thu hẹp phạm vi, song dự thảo vẫn cho phép thu hồi đất nhằm phát triển KT-XH. Trường hợp thu hồi đất công ích, phi lợi nhuận vẫn được quy định tính toán bồi thường giống như trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển KT- XH có lợi nhuận quy định (điều 53).
Bên cạnh đó, điều 54 quy định việc đầu tư vào dự án có lợi nhuận nhưng không được tính toán chia sẻ lợi ích có thể dẫn đến những bất đồng từ những người có đất bị thu hồi. Thứ hai, giữa các loại dự án chưa thực sự bảo đảm bình đẳng bởi vì cùng vì mục tiêu kinh tế nhưng có dự án do Nhà nước thu hồi và dự án không do Nhà nước thu hồi. Nếu được xem là dự án, công trình quan trọng thì được Nhà nước “bảo hộ” bằng chính sách thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế; ngoài các trường hợp đó thì phải tự thỏa thuận vì không thuộc quy định được phép thu hồi đất. Thứ ba, điều 58 của dự thảo chưa làm rõ vấn đề các dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng việc thỏa thuận không thành đối với một số hộ còn lại.
Theo quy định, các trường hợp này Nhà nước không can thiệp, không được phép thu hồi, không được cưỡng chế dù đó là 1 hộ duy nhất còn lại. Trong trường hợp đó, dự án không được thực hiện bởi mặt bằng chưa sạch mà chủ dự án không có cách gì khác là phải tăng cường thỏa thuận và chờ đợi sự chấp thuận của hộ gia đình đó.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn