Tự hào với giống nếp ngon "trứ danh"
Thẩm Dương là xã vùng đồi núi thấp, cách trung tâm huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) 19 km về phía Tây Nam, có quốc lộ 279 chạy qua. Thẩm Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, trong đó nơi đây có loại nếp đặc sản không thể không nhắc tới: Khẩu Tan Đón.
Nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương được trồng từ lâu đời bởi người dân tộc Tày, Thái ở xã Thẩm Dương. Loại nếp này được mệnh danh là “Đệ nhất nếp”, với đặc trưng gạo trắng, hạt tròn với chất lượng dẻo, thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với một số loại gạo nếp thông thường khác.
Giống lúa nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có tên khoa học là Oryza sativa l.Glutinosa Tanaka. Chiều dài hạt gạo từ 0,48cm - 0,63cm, chiều rộng hạt từ 0,30cm - 0,41cm. Hạt gạo có màu trắng, mùi rất thơm. Sau khi nấu chín, hạt xôi dẻo dính, có vị ngọt ngậy, có lớp tinh dầu bám trên bề mặt lá dong hoặc lá chuối khi gói xôi.
Theo phân tích của các nhà khoa học, gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có đặc tính chất lượng như sau: Hàm lượng protein tổng số từ 6,23% - 7,03%; Hàm lượng tinh bột từ 68,58% - 70,23%; Hàm lượng sắt từ 15,06mg/kg - 17,93mg/kg; Hàm lượng vitamin B1 từ 0,42mg/100g - 0,63mg/100g; Hàm lượng Amylose từ 2,67% - 3,70%.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kinh nghiệm canh tác của người dân.
Hiện nay Khẩu Tan Đón được trồng phân bố trên toàn xã nhưng tập trung ở chủ yếu 4 thôn: Bản Ngoang, Bản Bô, Bản Thẳm và Nậm Con với diện tích 100 ha, năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha.
Được khí hậu thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước tưới lấy ở khe suối Nậm Con từ núi Pí Hẻo về nên nếp trồng ở Thẩm Dương có vị thơm ngon đặc trưng khác lạ. Trong khi nếu mang giống lúa này đem trồng ở vùng khác, hạt gạo thu được lại không đạt được độ dẻo ngon như vậy nữa.
Bà con ở đây lý giải, phần vì không hợp khí hậu, đất đai, phần vì không phải do người Thái, người Tày Thẩm Dương chăm sóc. Từ khâu làm mạ, nhổ mạ đến khi cấy và thu hoạch, nếp Thẩm Dương đã nhận được tình yêu, sự nâng niu, chăm bón của những cặp vợ chồng người Thái, người Tày nơi đây.
Trước kia lúa nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương trồng rất ít, mỗi gia đình chỉ cấy thêm 1 ruộng nhỏ để lấy gạo phục vụ ngày lễ, tết hay trong gia đình có việc hiếu hỷ, sản phẩm chủ yếu sử dụng trong gia đình nên ít có bán ngoài thị trường. Để mua được sản phẩm phải tìm vào thời điểm vừa gặt xong mới có, thậm chí phải đặt mua trước từ khi lúa vẫn còn xanh trên đồng.
Do diện tích cấy lúa nếp Khẩu Tan Đón hiện chỉ đạt khoảng 100ha nên sản phẩm ít có bán ngoài thị trường. Ảnh: T.L
Được doanh nghiệp, người tiêu dùng săn đón
Hiện nay, gạo nếp Khẩu Tan Đón đã được biết đến rộng rãi hơn qua các hội nghị, hội chợ với giá bán 35.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại Lào Cai. Với năng suất bình quân đạt trên 40 tạ/ha, thu nhập khi trồng 1 ha lúa nếp Khẩu Tan Đón đạt gần 100 triệu đồng.
Năm 2011, tỉnh Lào Cai đã xây dựng mô hình trồng nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương với quy mô 35 ha, nằm trong dự án sản xuất lúa chất lượng cao nhằm phát triển diện tích, tập trung sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa, để người dân thấy được hiệu quả kinh tế khi trồng lúa nếp đặc sản. Mô hình đã thu hút được sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tháng 4/2018, tỉnh Lào Cai được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương. Đây là sản phẩm gạo đầu tiên trong cả nước được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. UBND tỉnh Lào Cai là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Vậy gạo nếp Thẩm Dương có gì khác với nếp đặc sản của các vùng khác? Dân bản ở đây tiết lộ điều bí mật nếu không tinh tế, thực khách sẽ chẳng bao giờ nhận ra được. Ngoài hạt mẩy, mùi thơm, vị ngọt ngậy đặc trưng thì sau khi đồ chín, gói xôi vào lá dong hoặc lá chuối, sẽ thấy trên bề mặt lá có lớp mỡ bóng bám vào, đó là tinh dầu được tiết ra từ khẩu tan đón. Loại nếp có tinh dầu rất hiếm gặp và thực sự tốt cho sức khỏe con người.
Nông dân xã Thẩm Dương thu hoạch lúa nếp Khẩu Tan Đón. Theo bà con dân tộc Tày, “Khẩu” có nghĩa là giống, “Tan Đón” có nghĩa là “nếp trắng”, “Thẩm Dương” là tên xã thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: baolaocai
Vừa qua, Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Công ty Bảo Minh) đã có buổi làm việc với huyện Văn Bàn và 5 xã Thẩm Dương, Dương Quỳ, Dần Thàng, Liêm Phú, Khánh Hạ để triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản và áp dụng công nghệ cao hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Dự kiến vụ mùa 2018, Công ty sẽ xây dựng mô hình với quy mô 5 ha nếp Khẩu Tan Đón tại Thẩm Dương và ký cam kết liên kết tiêu thụ sản phẩm nếp Thẩm Dương nói riêng và sản phẩm lúa gạo nói chung.
Ông Dương Văn Bạo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo Minh mong muốn đưa nhiều sản phẩm sạch, hữu cơ đến với người tiêu dùng. Áp dụng những giải pháp thông minh trong sản xuất để có được hạt thóc an toàn, bảo vệ môi trường, hướng tới tiêu chuẩn lúa gạo hữu cơ. Công ty đã nhận thấy huyện Văn Bàn có tiềm năng để sản xuất lúa gạo hữu cơ đối với lúa gạo đặc sản mang tính vùng miền, góp phần nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên để làm được việc này cần phải có sự phối hợp của “5 nhà”.
Tại Hội nghị ký cam kết giữa đại diện huyện Văn Bàn với Công ty Bảo Minh mới đây, phía công ty cam kết thu mua gạo nếp của bà con lâu dài; huyện quy hoạch vùng sản xuất để đảm bảo về quy mô, kiểm soát về chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật, cam kết sự gắn kết của doanh nghiệp với địa phương.
Về phía người sản xuất không sử dụng thuốc trừ cỏ, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất theo yêu cầu của công ty, phun phòng trừ sâu bệnh hại theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để việc liên kết sản xuất tiêu thụ đạt hiệu quả cao và bền vững.
Lúa nếp Khẩu Tan Đón là giống lúa nếp bản địa, gắn với truyền thuyết huyền bí về một bà tiên. Truyền thuyết của người Thái kể lại rằng, từ xa xưa, có vị tiên bà vì thương người Thái quanh năm chăm chỉ mà ban cho giống thóc quý, rồi dặn họ phải tìm được mảnh đất phù hợp cho hạt nảy mầm lên cây tốt tươi. Sau bao năm thử trồng, đánh đổi nhiều vụ hạt lép, lúa không trổ bông, cuối cùng, cộng đồng người Thái cũng tìm ra “mảnh ruộng vàng” bên dòng Nậm Con trong vắt. Sau khi trồng thành công giống nếp thơm, đến mỗi vụ thu hoạch, người Thái lại tổ chức làm cốm, đồ xôi để tỏ lòng biết ơn tiên bà và tổ tiên đã cho họ hạt vàng hảo hạng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn