Ông Đặng Văn Dậu, chủ vườn cam giá trị này đang góp phần phát triển giống trái cây giá trị cao cho vùng đất chuyên canh cà phê Lâm Hà.
Thu hoạch cam Canh tại vườn nhà ông Đặng Văn Dậu. Ảnh: D.Quỳnh.
Vợ chồng ông bà Đặng Văn Dậu - Chử Thị Thơm cũng gắn bó với cây cà phê nhưng vụ thất vụ được nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Vậy là năm 2012, theo lời giới thiệu của bà con vùng cam Canh chính gốc Hoài Đức, Hà Nội, ông trồng thử 300 gốc cam trong vườn nhà. Thấy cây sống được, ông trồng đủ 1.000 gốc cam trên diện tích 3 sào đất vườn.
Trồng cam Canh, giống cây còn mới lạ với người nông dân vùng cà phê, ông lặn lội ra Bắc, vào Đạ Sar, những nơi đã và đang trồng để hỏi thăm về kỹ thuật, về cách chăm sóc. Và cây không phụ lòng người. Từ năm 2015 một số cây đã cho trái bói, tới năm 2017, cả vườn cam đã ra trái đều đặn, với năng suất được coi là khả quan so với những vùng trồng cam Canh truyền thống, cho thu tiền triệu mỗi năm.
Vườn cam của ông trồng rất quy mô, hàng cách hàng, cây cách cây 2x2 m, được tưới nước, bỏ phân bằng hệ thống tưới tự động. Ngoài nước tưới và phân bón, theo kinh nghiệm cổ truyền, ông còn dùng mật mía, sữa bò, đậu tương lên men để tưới cho cam, tăng độ ngọt cho trái. Ông Dậu cho biết: “Cây cam Canh có điểm đặc biệt là muốn cây có trái, phải có kỹ thuật “bắt” như xắn rễ, khoanh vỏ đúng thời điểm. Nếu không làm đúng, cây hầu như không ra trái”.
Chính bởi vậy, ông Dậu đã học được kỹ thuật ép cây ra trái và dựa trên kỹ thuật cơ bản, ông tìm ra cách xử lý cam ra trái vụ. Ông chia sẻ, vườn nhà ông có 1.000 cây cam, nếu cho thu hoạch cả một vụ thì dễ bị dư hàng, giá xuống, thứ hai là thu dồn về một vụ trong khi mùa khác không có thu. Vậy là bằng cách xử lý rễ, ông Dậu đã chia vườn cam làm đôi, một nửa cho thu hoạch vào vụ Tết Âm lịch, một nửa cho thu vào tháng 6.
Khác với cam Canh trồng ở phía Bắc là chỉ cho thu hoạch trái vào cuối năm, người trồng cam Canh ở huyện Lâm Hà, trong đó có ông Dậu xử lý để có thêm những cây cam cho trái nghịch vụ không lo dội hàng, giá thấp.
Ngoài ép cây ra trái vụ, nghiên cứu kỹ về chế độ nước, phân bón, ông Dậu còn đang xử lý “ép” size trái cam, để đạt chuẩn 7 trái/kg, loại size phù hợp nhất với cam Canh, đảm bảo vỏ mỏng, ít hạt mà vẫn mọng nước.
Theo ông Dậu tính toán: “Chỉ cần trồng 3 sào cam 1 ngàn cây, cho năng suất lúc cây còn non là 15 kg/cây đã có tấn rưỡi cam. Giá bán xô rẻ nhất là 30 ngàn, một năm đã thu được 450 triệu đồng. Đấy là chưa kể cây cam sẽ càng ngày càng tăng năng suất, giá bán vụ tết lại cao hơn. Trồng cam cho lợi nhuận gấp 10 lần trồng cà phê, lại lợi công chăm sóc. Như vườn cam nhà tôi chỉ cần 2 vợ chồng chăm là đủ, khi thu hoạch mới cần thêm người hái”.
Hiện khu vực Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Ban nhiều người trồng cam đã lấy giống từ vườn của ông Dậu, tuy giá cao hơn giá chung của thị trường, 30 ngàn đồng/cây giống nhưng bù lại, ông Dậu chịu trách nhiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật, “bảo hành” cho cây cam giống của ông từ khi trồng tới khi có trái.
Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, Lâm Hà nhận xét, vườn cam của ông Đặng Văn Dậu là vườn cam thành công, cho năng suất cao, thu nhập tốt, là nơi để bà con muốn trồng cam Canh tới tham quan, học hỏi cũng như chia sẻ giống, kinh nghiệm. Thay đổi cây cam Canh thay cho cây cà phê, gia đình ông Đặng Văn Dậu đã mở thêm một hướng thành công mới cho nông dân vùng đất cao nguyên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn