Ong ký sinh sâu tơ - tiến bộ khoa học kỹ thuật mới
Sâu tơ luôn được xem là “kẻ thù” của người trồng rau và họ rau thập tự (rau cải, su hào, súp lơ,...). Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nông dân Đà Lạt đã thấy rõ mật độ sâu tơ trên các vườn rau giảm đáng kể, việc phòng trừ sâu tơ cũng không còn là mối bận tâm lớn của người trồng rau. Không phải ngẫu nhiên có được điều này mà nhờ vào việc thiết lập quần thể ong ký sinh sâu tơ trên đồng ruộng Đà Lạt.
Ngược thời gian, từ năm 1996, được sự tài trợ của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Cục BVTV, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã thành lập cơ sở nhân nuôi ong ký sinh sâu tơ và nhập nội 800 kén ong từ Malaysia để nhân nuôi trong phòng thí nghiệm, cũng như nhân thả và thiết lập quần thể của chúng trên đồng ruộng tại Đà Lạt. Đến năm 2002, Chi cục đã nhân nuôi và thả ra sinh quần đồng rau họ hoa thập tự trên 36.000 cá thể ong.
Hiện nay, các vườn có tỷ lệ sâu tơ bị ký sinh của ong khá ổn định, từ 50 - 60%. Ở hầu hết các phường trồng rau họ hoa thập tự, ở những khu vực không thả ong cũng đã đều phát hiện có sự hiện diện của ong ký sinh Ds. Điều này khẳng định ong ký sinh Ds nhập nội đã tạo lập được quần thể và tồn tại trong sinh quần cây rau họ hoa thập tự, góp phần hạn chế số lượng sâu tơ trên cây rau.
Vì vậy nông dân trồng rau đã giảm được số lần phun thuốc trong một vụ, từ 10 - 15 lần ở vụ mưa và 15 - 20 lần ở vụ khô xuống còn 2 - 3 lần ở vụ mưa và 4 - 5 lần ở vụ khô.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, khẳng định: “Việc ứng dụng ong ký sinh sâu tơ Ds trong phòng trừ sâu tơ tại Đà Lạt là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đã đem lại kết quả rõ rệt trong sản xuất rau họ thập tự những năm qua. Hiệu quả kinh tế thấy rõ ở việc giảm chi phí đầu tư mua thuốc trừ sâu và công lao động phun thuốc, tiết kiệm từ 5 - 10 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây. Mặt khác, môi trường bớt bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc BVTV, sản phẩm rau cũng đảm bảo an toàn hơn”.
Nhân rộng các mô hình ứng dụng IPM
Việc thiết lập quần thể ong ký sinh sâu tơ trên đồng ruộng là một trong những giải pháp của ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng đang được Chi cục Trồng trọt và BVTV đẩy mạnh tại Đà Lạt.
Từ năm 2016, Chi cục trồng trọt và BVTV đã phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện nông dân về IPM, xây dựng quy trình, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau, chè, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông Ngô Minh (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt) - một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng IPM tại xã Xuân Thọ cho biết: “Từ năm 2010, tôi đã ứng dụng quy trình IPM cho toàn bộ 1 ha trồng rau, hoa của mình. IPM giúp tôi biết cần xử lý tàn dư thực vật như thế nào, biết phân biệt được côn trùng nào có lợi, có hại. Thấy được hiệu quả cho cây rau, tôi liên hệ áp dụng cho cây hoa và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, tàn dư thực vật được lấp đất, nấm bệnh dễ lây cho cây con thì hiện tại đã được dọn sạch sẽ để ủ phân xanh, cây không còn dễ bị bệnh mà còn tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học”.
Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết: Toàn xã Xuân Thọ có gần 1.200 hộ nông nghiệp với 1.050 ha trồng rau, hoa, trong đó đã có gần 70% hộ ứng dụng IPM. Đến nay, các lớp tập huấn IPM đã trở thành lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Các hoạt động đào tạo, tập huấn về IPM đã tác động tích cực đến người dân về thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, chuyển sang sản xuất theo quy trình được chứng nhận.
Trong giai đoạn 2016 - 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng được 7 quy trình IPM trên cây chè, dâu tây, ớt ngọt, cải bắp, hành tây, bó xôi, khoai tây. Quy trình có ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để giảm thiểu thuốc BVTV như chọn giống, làm đất, thời vụ, bón phân, chăm sóc, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ dịch hại, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; in ấn, cấp phát 1.200 cuốn tài liệu quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên chè, dâu tây, ớt ngọt; 120 cuốn tài liệu quy trình IPM trên cây cải bắp, bó xôi, hành tây, khoai tây cho các huyện để tập huấn, chuyển giao cho nông dân. Mở 382 lớp huấn luyện nông dân cho 1.433 nông dân về quy trình quản lý dịch hại tổng hợp.
Theo ông Lại Thế Hưng, việc triển khai các mô hình IPM trên rau, chè đều giảm được số lần sử dụng thuốc BVTV từ 3 - 5 lần/vụ, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học chiếm từ 30 - 40% góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, là cơ sở để tuyên truyền cho nông dân ứng dụng vào sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng nông sản an toàn về dư lượng thuốc BVTV. Năm 2018, Chi cục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 4 quy trình IPM trên 4 cây rau chính gồm cà chua, đậu leo, xà lách và cà rốt để giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.
VIỆT QUỲNH/baolamdong.vn