Đi qua mùa hạn mặn ở miền Tây (kỳ 2): Những bất lợi không ngờ
Thứ hai - 02/03/2020 08:48
Ở ĐBSCL, mùa khô năm 2019-2020 này khiến nhiều người dân, nhà khoa học và cả các cơ quan chức năng vô cùng bất ngờ trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn và khô hạn.
Ở Bến Tre, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri) có tổng kinh phí đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, được xem là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây đã bất ngờ bị nhiễm mặn chỉ sau 7 tháng đưa vào sử dụng.
Ở Cần Thơ, nhiều người bất ngờ khi năm nay mặn xâm nhập tới địa phương này với mức độ phức tạp hơn. Cụ thể là trong đợt mặn lịch sử năm 2016, mặn "tấn công" tới thành phố với độ mặn hơn 2‰ nhưng chỉ trong vòng vài tiếng vào thời điểm triều cường rồi rút dần và hết hẳn sau đó. Tuy nhiên, năm nay độ mặn xuất hiện sớm hơn gần một tháng và độ mặn cao hơn.
Ở Cà Mau, tình trạng khô hạn đã làm mất phản áp của nước vào thành bờ sông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún đường.
Mặc dù đã có dự đoán trước nhưng nhiều người dân và các cơ quan chức năng không khỏi bất ngờ, lo lắng khi mặn đã xuất hiện ở ĐBSCL ở mức cao và đột biến từ tháng 12/2019 rồi kéo dài đến thời điểm này, ranh mặn nhiều nơi đã vào sâu hơn đợt năm năm 2016.