Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian tới, thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức khoẻ của gia cầm, các hoạt động chăn nuôi tái đàn phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt... Vì vậy, nguy cơ dịch bùng phát là rất cao, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ, địa bàn có mật độ thuỷ cầm cao
Theo Cục Thú y, trong 2 tuần qua toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng. Như vậy, cả nước hiện không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng. Đối với dịch tai xanh, cả nước hiện còn 2 tỉnh Long An, Sóc Trăng có dịch và chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch tái phát trong thời gian tới là rất cao do hoạt động chăn nuôi gia tăng phục vụ tiêu dùng cuối năm, việc vận chuyển, giết mổ, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ và địa bàn trọng điểm chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, sau một thời gian các ngành chức năng triển khai quyết liệt, tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới đã có chiều hướng giảm, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Tuy nhiên, gần đây tình trạng này lại xuất hiện tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn với số lượng 1 xe/1 tuần (khoảng 50.000 con) phần lớn là loại gà choai. Điểm tập kết gà nhập lậu là khu vực Phú Xuyên (Hà Nội). Nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì đây chính là nguyên nhân dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong thời gian tới.
Để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm và kiểm soát dịch bệnh, Cục Thú y đang tổ chức mua vắc xin cúm gia cầm phục vụ tiêm phòng đợt 2/2012 tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dự phòng vắc xin tiêm bao vây khi có dịch; tiếp tục giám sát lưu hành của nhánh vi rút 2.3.2.1(nhóm C) và xác định các loại vắc xin phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như tuân thủ các quy định về con giống, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn, tiêm phòng các loại vắc xin cho gia cầm theo quy định, thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi.