Mực nước tại hồ Kẻ Gỗ đạt cao trình 25,98/32,5m, tương đương với 178 triệu m3
Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết: Hiện tại, mực nước tại các hồ đập lớn như hồ Kẻ Gỗ đạt cao trình 25,98/32,5m, tương đương với 178 triệu m3; hồ Thượng Tuy cao trình 21/24,5m, tương đương với 10,5 triệu m3.
Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài thì lượng nước bốc hơi cao. Ngoài ra, nguồn nước tại các hồ đập không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn là nguồn nước sinh hoạt dân sinh. Bởi vậy, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ hè thu có thể xẩy ra tại các vùng cao cưỡng, cuối kênh.
Mực nước Đập Làng - xã Hương Thủy (Hương Khê) đang ở mức thấp
Để đảm bảo đủ nước tưới cho gần 20.000 ha lúa hè thu theo hợp đồng ký kết, công ty chủ động thực hiện các giải pháp phi công trình. Đối với các vùng cao, xa, cuối kênh khó khăn về nguồn nước như vùng Thạch Đồng, Thạch Môn, Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh); Thạch Lâm, Thạch Ngọc, Thạch Tiến, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà); Cẩm Thăng, Cẩm Dương, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên); Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), đơn vị sẽ điều tiết nước sông Tiêm về hồ Khe Dài; từ hồ chứa Họ Võ sang Khe Con; hồ chứa Ma Leng sang Khe Sông, Khe Trồi...
Cũng theo ông Bình, bắt đầu từ 23/5, công ty sẽ mở nước đại trà phục vụ sản xuất cho vụ hè thu. Nhưng để đủ nước, các địa phương ký hợp đồng phải chỉ đạo bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ. Sau khi thu hoạch xong lúa vụ xuân, thực hiện cày ải, phơi đất, xử lý rơm rạ để khi bơm nước vào đến đâu thì cày bừa, gieo cấy đến đó, vừa tăng năng suất lại vừa tiết kiệm nguồn nước.
Một số xã vùng bãi ngang nằm cuối kênh huyện Thạch Hà nguy cơ thiếu nước tưới vụ hè thu
Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, cho hay: Theo kế hoạch, toàn huyện có 7.580 ha sản xuất vụ hè thu. Nguồn nước phục vụ tưới chủ yếu là hệ thống kênh tưới từ hồ Kẻ Gỗ và 17 hồ đập nhỏ. Nguy cơ thiếu nước tưới cho sản xuất vụ hè thu trên địa bàn huyện ước tính khoảng hơn 300 ha. Để đảm bảo đủ nước tưới, huyện phối hợp với các tổ, đội điều tiết nước các cụm trạm thủy nông thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cân đối nguồn nước hợp lý, tránh trường hợp tranh chấp.
Theo đó, huyện chia thành 3 vùng gồm Tây Nam, Bắc Hà và vùng tưới các xã bãi ngang để điều tiết nguồn nước đến từng chân ruộng. Ngoài ra, huyện còn bố trí các trạm bơm dã chiến tại những vùng cao cưỡng, vùng thường xuyên thiếu nước. Đồng thời, tổ chức ra quân nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương nội đồng, các tuyến kênh dẫn vào trạm bơm...
Để chống hạn, các công ty thủy lợi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống
vận hành tại các hồ đập đang bị xuống cấp, hư hỏng
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Trần Duy Chiến: Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh phổ biến đạt từ 53 - 83% so với dung tích thiết kế. Nhìn chung, lượng nước các hồ chứa đến thời điểm hiện tại đạt khá thấp. Lượng dòng chảy trên các sông suối sẽ thiếu hụt khoảng 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Với diễn biến trên, trong thời kỳ cao điểm về khô hạn, mực nước trên các sông, suối sẽ xuống thấp, nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến việc cấp nước, bơm tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2019.
Đảm bảo đủ nước tưới cho 44.181 ha lúa vụ hè thu trên toàn tỉnh thì các công ty thủy lợi và chính quyền địa phương phải chủ động thực hiện tốt các giải pháp về công trình như sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống tại các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp; có kế hoạch đắp bờ giữ nước tại các chân ruộng và tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết chống hạn. Mặt khác, xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, diện tích vùng không chủ động nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không gieo cấy lúa vào diện tích không chủ động nước...
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn