Cấp đông thịt heo sẽ góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. |
Khoảng 12 doanh nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, Siêu thị Co.op mart Biên Hòa, Lotte mart, Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp...đều thống nhất với nội dung Sở Công thương đưa ra. Theo đó, tới đây UBND tỉnh có văn bản yêu cầu triển khai việc mua heo sạch, giết mổ, cấp đông để dự trữ và các doanh nghiệp nói trên sẽ thực hiện.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là, nếu tại vùng chưa bị dịch mà doanh nghiệp thu mua nguồn thịt về cấp đông rồi không may dính phải thịt bị dịch thì phải xử lý như thế nào? Hơn nữa, thực tế con vi rút có thể sống tới 1.000 ngày trong thịt cấp đông lưu trữ, vậy khi dịch đã đi qua, chủ doanh nghiệp mới đem thịt cấp đông ra tiêu thụ thì chẳng khác nào là “quả bom nổ chậm” với người chăn nuôi”, ông Đoán chia sẻ.
Theo ông Đoán, về chủ trương triển khai việc giết mổ cấp đông thịt heo các hội viên hiệp hội đều tán thành, nhưng về khả năng cấp đông của các doanh nghiệp lớn hiện cũng còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu triển khai chủ trương cho giết mổ cấp đông thịt thì cần phải kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thịt cấp đông ngay từ đầu.
Vấn đề các được nhiều sở ngành, doanh nghiệp quan tâm nhất là việc đầu tư xây dựng kho để cấp đông. Vì hiện các doanh nghiệp tuy có kho nhưng số lượng cấp đông rất nhỏ chỉ từ 500 - 1.000 kg. Do vậy, các doanh nghiệp thống nhất sẽ thuê kho cấp đông ở các tỉnh khác như Bình Dương hay TP.Hồ Chí Minh để dự trữ thịt heo. Như vậy, sẽ giảm bớt nỗi lo heo không có nơi tiêu thụ và khi dịch đi qua sẽ thiếu thịt heo.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng: “Giải pháp cấp đông chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, trước khi cấp đông thịt heo thì cần phải kiểm tra chặt chẽ từ nguồn thịt đến khâu giết mổ mới để cho cấp đông chứ không phải cho mua nguồn thịt đại trà về giết mổ cấp đông sẽ rất nguy hiểm bởi nguy cơ mầm bệnh sẽ lây lan nhanh”.
Theo ông Quang, để việc thu mua nguồn thịt heo giết mổ, cấp đông thì cơ sở giết mổ cần phải đảm bảo đủ năng lực và điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; khi cấp đông cần phải cấp đông sâu từ âm 25 độ C đến âm 40 độ C thì mới bảo quản được thịt trong thời gian dài; đồng thời phải được sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo nguồn thịt đưa vào cấp đông phải âm tính và cơ sở giết mổ cấp đông cũng đáp ứng được tất cả các điều kiện trên.
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai nhất mạnh: “Đối với dịch tả heo châu Phi đến nay vẫn chưa có vắc xin và các giải pháp điều trị đặc hiệu khác. Do vậy, việc áp dụng các giải pháp tiêu độc, khử trùng hay đến nay cho giết mổ cấp đông cũng là giải pháp tình thế”.
Theo ông Lộc, việc thu mua với các sản phẩm thịt sạch nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi cũng như giảm bớt ngân sách hỗ trợ thiệt hại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, qua ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy khả năng cấp đông cũng như sản lượng để thực hiện chủ trương cấp đông theo chỉ đạo của Bộ Công thương cũng như UBND tỉnh Đồng Nai cũng cần phải xem xét và tính toán thật kỹ cho phù hợp trong những ngày tới. Các sở ngành cũng sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp khác và kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn