Tìm sinh kế mới
Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tìm sinh kế mới cho người dân đang là bài toán khó đối với chính quyền tỉnh. Nhờ có sự giúp sức của toàn xã hội, đặc biệt là Ngân hàng CSXH nên người dân đang dần chuyển đổi sinh kế. Trước đây, người dân ven biển phụ thuộc chủ yếu vào biển thì nay mở mang thêm nghề chăn nuôi, trồng trọt, lập trang trại, gia trại… Trong đó, huyện Gio Linh là một trong những địa phương đi đầu.
Anh Trần Tấn Phát ở thôn 9, xã Trung Giang (trái) giới thiệu mô hình nuôi gà cho lãi trên 100 triệu đồng. Ảnh: N.V
Sau 13 năm thành lập, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh đạt 300 tỷ đồng. Nợ quá hạn đến hết tháng 10 chỉ chiếm 0,08%. Đặc biệt, từ tháng 4-9, sau sự cố môi trường biển, chúng tôi đã giải ngân cho 4 xã vùng biển của huyện trên 24,1 tỷ đồng, giúp người dân chuyển đổi nghề”. Ông Hoàng Đình Mẫn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Gio Linh |
Chúng tôi đến gia trại của chàng trai 9X Trần Công Đính (thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang) khi anh đang cùng vợ vệ sinh khu chuồng trại nuôi lợn. Ở tuổi 25, Đính đã gây dựng được gia trại nuôi 15 lợn nái với ước tính hết năm 2016 này sẽ xuất bán 300 lợn thịt, lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Đính cho biết, anh học cao đẳng thú ý. Sau khi tốt nghiệp, anh Đính đi làm công nhân 2 năm và từng có ý định đi xuất khẩu lao động. Nhưng suy tính kỹ, Đính quyết định vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh và mượn thêm của anh em, bạn bè được 150 triệu đồng lập gia trại.
Lúc đầu, anh Đính nuôi 50 lợn thịt, 4 con bò giữa bãi cát trắng hoang vu ven biển, chưa có điện, đường nên một số người lo ngại, lắc đầu phản đối. Nhưng rồi, với quyết tâm và sức trẻ, Đính dần khẳng định việc làm của mình là đúng. Mới đây, anh Đính tiếp tục vay Ngân hàng CSXH Gio Linh 80 triệu đồng để mở rộng quy mô thành trang trại. “Cũng may mắn có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cho vay kịp thời, cán bộ nhiệt tình giúp nên việc sản xuất của gia đình tôi thuận lợi” – anh Đính bày tỏ.
Tiếp thêm động lực cho người dân ven biển
Ghé thăm gia trại nuôi 8.600 con gà thịt của chàng trai 8x Trần Tấn Phát, thôn 9, xã Trung Giang, chúng tôi được biết nguồn vốn Ngân hàng CSXH Gio Linh đã là động lực cho người trẻ mạnh dạn làm ăn. Anh Phát kể, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật – Đại học Huế, anh làm nhiều nghề nhưng thu nhập ba cọc ba đồng, ở nhà trọ. Năm 2014, anh Phát trở về quê nhà vay 200 triệu đồng đầu tư nuôi 6.800 con gà giống Mic O2. Để tiết kiệm chi phí, anh tự xây dựng chuồng trại, làm đường… Mới đây, anh vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để tăng quy mô đàn gà. Anh cho biết, nhờ có kỹ thuật, lại liên kết với doanh nghiệp nên mỗi năm anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Đính, anh Phát mà nhiều hộ dân khác ở vùng biển huyện Gio Linh cũng chuyển đổi nghề từ “độc canh” đánh bắt gần bờ sang chăn nuôi, trồng trọt và được vay vốn ưu đãi. Ông Dương Đức Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, vốn vay Ngân hàng CSXH đã tiếp thêm động lực để người dân ven biển chuyển đổi nghề, qua đó cũng góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Ngọc Vũ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn