GL301 không chỉ giúp người nông dân tăng thêm năng suất, mà còn tạo ra “đòn bẩy” để phát triển các làng nghề SX mỳ, bún bánh ở nước ta.
GL301 là giống lúa chuyên dùng để chế biến mỳ đầu tiên của VN, được Viện Cây lương thực - cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp VN) nghiên cứu chọn tạo thành công.
GL301 không chỉ giúp người nông dân tăng thêm năng suất, mà còn tạo ra “đòn bẩy” để phát triển các làng nghề SX mỳ, bún bánh ở nước ta.
Ý tưởng tiên phong
Cách Viện CLT-CTP không xa là làng nghề SX bún bánh Lộ Cương (xã Tứ Minh, TP Hải Dương). Trong tổng số 600 hộ dân của làng, có tới 400 nóc nhà đang hành nghề. Mỗi lần đi qua đây, ông Phó Viện trưởng Nguyễn Trọng Khanh để mắt rất kỹ cảnh người người, nhà nhà nhập gạo nguyên liệu Q5, Khang dân 18 để chế biến.
Vị này nhẩm tính, mỗi ngày 1 người ăn khoảng 4 lạng gạo, 1 tháng 12 kg, trong đó sử dụng ít nhất 1 - 2 kg dưới dạng mỳ, bún bánh hoặc phở. Đó là một khối lượng rất lớn. Trung bình mỗi ngày, một hộ làm mỳ sợi ở Lộ Cương nhập khoảng 300 kg gạo, cả làng là 120 tấn gạo (tương đương khoảng 180 tấn thóc). Mỗi năm, họ làm khoảng 250 ngày, vậy số thóc tiêu tốn 45.000 tấn.
Thông thường, 1 kg gạo Q5 và Khang dân 18 (hai loại gạo SX bún bánh phổ biến) chỉ chế biến được 0,8 kg bún bánh thành phẩm. Chất lượng mỳ đạt mức trung bình, khi đun sôi nước ngả màu vẩn đục, sợi mỳ bở nên giảm độ ngon. Không chỉ ở Lộ Cương, nhiều làng nghề SX mỳ cũng đang lâm cảnh “nhà nào mỳ nấy” vì lựa chọn gạo nguyên liệu không đồng nhất.
Đằng đẵng suốt mấy năm liền, các chuyên gia của Viện CLT-CTP đã đeo đuổi đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa có hàm lượng amylose và tinh bột cao vượt trội từ nguồn vật liệu nhập nội, giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến mỳ. Cuối cùng, giống lúa GL301 đã tìm thấy và đáp ứng tốt đòi hỏi đó.
Từ năm 2012 đến nay, GL301 đã được khảo kiểm nghiệm tại hơn 10 tỉnh, thành trong nước như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Bình... trong cả vụ xuân và mùa với tổng diện tích 800 ha.
Qua đánh giá các chỉ tiêu năng suất cho thấy, GL301 là giống lúa chịu thâm canh cao, TGST trong vụ xuân khoảng 125 ngày, vụ mùa 105 ngày (ngắn ngày hơn Q5).
Dạng cây gọn, thân lá đứng cứng, chiều cao cây 115 - 120 cm. Giống có khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt; ít nhiễm bệnh bạc lá và khô vằn; chịu rét và chống đổ khá.
Thời gian trỗ thoát (5 - 6 ngày); thời gian hạt vào chắc khá nhanh và tập trung (24-26 ngày). Khả năng đẻ nhánh trung bình (5 - 6 dảnh hữu hiệu/ khóm).
Số hạt/ bông cao hơn Khang dân 18 và Q5 (đạt 170 - 180 hạt/ bông), tỷ lệ hạt lép thấp (11 - 15% tùy từng mùa vụ) và khối lượng 1.000 hạt đạt 21 - 22 gr, cao hơn Khang dân 18. Đây là các yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến năng suất của giống GL301.
Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế từ mô hình SX thử tại HTX Nhân Thắng, Gia Bình (Bắc Ninh) vụ xuân 2015 cho thấy, lãi thuần thu được từ việc canh tác giống GL301 đạt khá cao, trên 14 triệu đ/vụ/ha do không phải mua thuốc trừ rầy, đạo ôn; cao hơn giống Khang dân 18 chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/vụ/ ha (tương đương khoảng 150.000 đ/sào). Điều đặc biệt, hạt thon dài, gạo trong, ít bạc bụng, hàm lượng amylose đạt 26 - 29%, độ bền gel tốt, hàm lượng protein đạt 7,30%, rất phù hợp làm nguyên liệu chế biến bún bánh.
Thực tế SX qua nhiều vụ tại các địa phương cho thấy, năng suất lúa GL301 trong vụ xuân đạt 70 - 75 tạ/ha, vụ mùa đạt 65 - 70 tạ/ha; nếu thâm canh tốt có thể đạt 75 - 80 tạ/ha.
Việc sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy trình hướng dẫn giúp cho giống ít bị nhiễm sâu bệnh hại hơn và hạn chế được ít nhất 3 - 5 lần phun thuốc trừ sâu (1 - 2 lần trong vụ xuân và 2 - 3 lần trong vụ mùa), khẳng định ưu thế vượt trội của giống lúa GL301 so với các giống khác.
Thị trường rộng mở
Sau khi thu hoạch mỗi vụ lúa, Viện CLT-CTP lại đem gạo đến các làng nghề SX mỳ, bún bánh để SX thử.
Theo ông Khanh, 1 kg gạo GL301 sẽ cho 0,85 - 0,87 kg bún bánh (cao hơn Q5 và Khang dân 18), đặc biệt, sợi bánh trong, bóng, dai và không bị vữa (trong điều kiện không cho bất kỳ hóa chất tạo gel nào). Vì vậy các hộ làm nghề rất mê.
Hiện gạo của VN đang XK sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc có một tỷ lệ lớn là gạo mỳ (700.000 - 800.000 tấn). Do đó, các DNXK gạo đang rất quan tâm đến giống lúa GL301.
“Ở Thái Bình, suốt 3 năm qua, Cty TNHH Hưng Cúc là DN chuyên sản xuất kinh doanh, chế biến lương thực và XK gạo đã cùng chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hàng trăm ha. Họ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và cam kết bao tiêu toàn bộ lúa gạo cho nông dân”, ông Khanh nói.
Để chứng minh những thông tin trên không phải dựa vào sách vở, lý thuyết, lãnh đạo Viện CLT-CTP đã trực tiếp dẫn chúng tôi tham quan mô hình trình diễn giống lúa GL301 tại HTX Nhân Thắng, quy mô 2,5 ha.
Đập vào mắt tôi là cánh đồng lúa vàng ruộm, bông dài, sai trĩu hạt. Ông Nguyễn Văn Doanh tham gia mô hình cho thu hoạch lúa sớm nhất, hồ hởi khoe: “Năm nay thắng lớn các bác ạ. Mỗi sào lúa đạt trung bình 2,7 tạ và gần như không có hạt lép. Trước đây cả làng này cấy giống Q5, đến kỳ trổ bông, lá lúa cứ ngỉu xuống, chẳng thấy chân ruộng đâu.
GL301 dù đẻ nhánh khỏe nhưng bộ lá lại rất đứng, thu nhận được nhiều ánh sáng nên phát triển tốt và rất hiếm sâu bệnh. Người nào nhìn vào cũng thích mắt”.
Theo: nongnghiep.vn