Dòng gạo ST được lòng khách hàng trên thị trường Hà Tĩnh
Hơn 1 tháng nay, cơ sở phân phối gạo ST của Công ty CP Tập đoàn Tân Long tại đường Đặng Dung (TP Hà Tĩnh) luôn trong tình trạng cầu vượt cung.
Anh Đồng Văn Thành - nhân viên kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Tân Long cho biết: “Nhu cầu của người tiêu dùng đối với gạo ST 21 và ST 24 rất cao, nhất là đối với dòng ST 24. Lượng bán ra tại thị trường Hà Tĩnh thời điểm này gấp khoảng 3 lần so với một năm trước”.
Giá bán ra của gạo ST 24 là 29 ngàn đồng/kg, ST 21 khoảng 16 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá gạo bình dân, nhưng nhiều đại lý vẫn không kịp phục vụ.
Co.opmart là một trong những địa chỉ cung ứng gạo ST chất lượng ở Hà Tĩnh
Hiện nay, nhiều đơn vị tại Hà Tĩnh đã đứng ra phân phối dòng gạo cao cấp này như: Co.opmart Hà Tĩnh, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh…
Chị Trần Thị Vân (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khi đời sống nâng cao, người tiêu dùng thường tìm đến gạo ngon. Tính ra, mỗi tháng gia đình chỉ ăn hết khoảng 1 - 1,5 yến gạo nên so với chi tiêu chung của cả gia đình thì chẳng đáng bao nhiêu. Tôi vẫn thường mua gạo ST 24 ở siêu thị Co.opmart, khá bình ổn giá và chất lượng”.
Tại cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân Hà Tĩnh (đường Võ Liêm Sơn, TP Hà Tĩnh), bên cạnh những thương hiệu gạo nổi tiếng như: ST24, Ngọc Mầm, Gạo ông Lam… thì những dòng gạo “quê” chất lượng cũng luôn “đắt” khách.
Chị Bùi Thị Nga - phụ trách cửa hàng cho biết: “Những khách hàng có thu nhập cao thì thường tìm mua gạo Ngọc Mầm, ông Lam, ST 24 với mức giá dao động từ 200 - 280 nghìn đồng/yến. Còn đối với phân khúc thấp hơn thì chọn RVT, P6… là những loại gạo ở các vùng sản xuất tại Hà Tĩnh với mức giá 16.000 đồng/kg, phù hợp với túi tiền khá nhiều người”.
Thị hiếu của người tiêu dùng chuyển hướng sang dòng chất lượng gạo nhiều dinh dưỡng, dẻo thơm và ngon cơm
Cũng theo chị Nga chia sẻ, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay là dòng chất lượng gạo nhiều dinh dưỡng, dẻo thơm và ngon cơm. Khách hàng cũng không quá nhiều phân vân vì giá.
Ông Trần Như Tịnh - khách hàng tại Cửa hàng Nông sản an toàn của Hội Nông dân cho hay: “Tôi đã ăn gạo Ngọc Mầm suốt cả năm nay và không có ý định đổi gạo khác nữa. Bình thường thì chỉ mua mỗi lần 1 yến nhưng giữa đại dịch như bây giờ thì tôi mua sẵn 2 yến về nhà”.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng gạo có phẩm cấp cao đang ngày càng tăng ở thị trường Hà Tĩnh. Khảo sát ở nhiều đại lý thì tỷ lệ gạo ngon, dẻo thơm chiếm 50 - 60% trong các mặt hàng với mức giá dao động từ 12 - 30 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, tỷ lệ gạo được sản xuất, chế biến tại địa phương chưa chiếm được chủ lực so với gạo từ miền Nam. Điều này đòi hỏi các vùng sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh phải cơ cấu ngày càng nhiều các giống lúa phẩm cấp cao, chất lượng tốt, đáp ứng thị trường tiêu thụ và cạnh tranh với ngoại tỉnh.
Theo Nguyễn Oanh - Anh Hoài/baohatinh.vn
Những tin cũ hơn