Thưa ông, có thông tin cho rằng giá gà trong nước đang giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây là do đùi gà Mỹ được nhập vào Việt Nam với giá siêu rẻ đang xâm chiếm thị trường. Ông có quan điểm như thế nào về thông tin này?
Anh Dương Văn Minh ở thị trấn Sông Công (Thái Nguyên) chăm sóc đàn gà chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Ảnh: Minh Huệ
Bà con nông dân, khi nuôi con gì, trồng cây gì cũng cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, không nên sản xuất theo đám đông, thấy hàng xóm nuôi có lãi mình cũng nuôi theo. Bà con muốn làm hàng hóa, muốn phát triển bền vững thì phải chủ động nắm bắt kỹ thuật, thị trường, chăn nuôi có liên kết để giảm các công đoạn đầu vào, từ đó giảm rủi ro, tăng thu nhập”. TS Trần Duy Khanh |
- Đúng là những ngày gần đây, giá bán gà lông màu và gà lông trắng công nghiệp trong nước đang giảm rất sâu. Theo khảo sát của chúng tôi, tại Đồng Nai, gà lông trắng chỉ còn 15.000 – 16.000 đồng/kg; gà lông màu giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Giá thấp mà việc tiêu thụ cũng rất chậm khiến người nuôi vừa lỗ nặng, vừa hoang mang lo lắng. Việc thị trường gà trong nước rơi vào cảnh lộn xộn, theo tôi do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là do thị trường giảm tiêu dùng thịt gà. Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam thường sử dụng nhiều thịt gà vào việc cúng lễ, biếu tặng, tiệc liên hoan… và có xu hướng trữ đông sản phẩm thịt gà để ăn dần. Khi hết tết cũng là lúc người ta chán ăn thịt gà, do đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm nói chung bị giảm một phần.
Thứ hai là do cung đang vượt cầu. Lâu nay người dân thường chăn nuôi theo thói quen, cứ bán hết lứa gà này là nuôi lứa gà khác mà ít tìm hiểu thông tin thị trường. Trong khi đó, nuôi gà công nghiệp cứ đến lứa là phải bán. Bởi sau chu kỳ nuôi, gà công nghiệp không tiếp tục tăng trọng lượng, nếu cứ để trong chuồng thì sẽ tiêu tốn thêm thức ăn, vì vậy dù giá có giảm sâu, bà con cũng phải chấp nhận bán rẻ để cắt lỗ.
Thứ ba là do sản phẩm thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ. Theo số liệu của chúng tôi, trung bình mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt gà theo đường chính ngạch. Giá dao động trong khoảng 1,2 USD/kg, sau khi cộng chi phí thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ…, giá gà nhập khẩu khi ra thị trường ít nhất phải trên 30.000 đồng/kg. Vậy mà trên thị trường hiện nay, lại có loại thịt gà giá dưới 20.000 đồng/kg. Đó là điều không bình thường.
Thưa ông, có thông tin cho rằng gà nhập khẩu có giá rẻ như vậy vì đó là hàng thải loại, hàng sắp hết hạn?
- Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn có thể, và các ban ngành chức năng của nước ta cần phải sớm vào cuộc tìm hiểu, điều tra rõ thực hư. Không loại trừ đó là cánh gà, đùi gà thuộc loại hàng tạm nhập tái xuất. Theo tìm hiểu của tôi, năm 2014 nước ta có 3 triệu tấn sản phẩm thịt gà dạng tạm nhập, tái xuất; năm 2015 là 2,5 triệu tấn. Hầu hết số hàng này là cổ, cánh, chân gà, nội tạng đã quá hạn sử dụng, hoặc tồn kho đã lâu, giá chỉ vài nghìn đồng/kg, các nước chỉ làm thức ăn cho gia súc. Thậm chí có lô hàng đã lưu kho tới 40 năm, sản phẩm gần như chỉ còn hình dáng, xương chuyển màu đen sì. Chỉ cần 1/3 lượng hàng này rò rỉ ra thị trường, trà trộn với hàng nhập khẩu chính ngạch cũng đã đủ gây thiệt hại đến ngành chăn nuôi trong nước.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cả Bộ NNPTNT và ngành hải quan đều không nắm được cụ thể số liệu sản phẩm thịt gà tạm nhập tái xuất. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng phải công khai con số, nhưng đến nay chúng tôi cũng chỉ biết sơ sơ về số lượng hàng gia cầm tạm nhập qua Việt Nam, còn có tái xuất hay không, tái xuất bao nhiêu thì… chịu.
Trên thực tế, hiện nay ngành chức năng vẫn cho phép nhập khẩu chính ngạch gà thải loại (gà dai) từ Hàn Quốc. Đã là gà thải loại thì giá cực kỳ rẻ, khiến sản phẩm gà nội địa bị cạnh tranh gay gắt, gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Như ông vừa phân tích, phải chăng giá gà trong nước giảm sâu như hiện nay có một phần lỗi ở cơ quan chức năng, nhà quản lý?
- Đó là một phần, nhưng tôi cho rằng lỗi còn ở ý thức người tiêu dùng. Ở nhiều bếp ăn tập thể, nhà hàng, trường học, quán ăn… vẫn sử dụng gà thải loại, gà tồn kho và nội tạng. Đưa ra thị trường bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu thì đương nhiên những sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn còn “đất” sống.
Vì lẽ đó, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ngành chức năng công khai và tăng cường giám sát sản phẩm thịt gà tạm nhập tái xuất; kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp chỉ tạm nhập mà không tái xuất. Công khai thông tin là giải pháp cần thiết để cả ngành chăn nuôi và người dân cùng giám sát, chứ cứ bưng bít thông tin như hiện nay là vô tình giết chết ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi giá thị trường giảm sâu. Tại sao khi bất động sản đóng băng, chúng ta có gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng, mà khi hàng triệu hộ chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao, lại không có một đồng nào hỗ trợ bà con? Tôi đề nghị Bộ NNPTNT cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn