Giá heo hơi còn 30-31 ngàn đồng/kg trong vòng 20 ngày qua |
Với giá heo này người chăn nuôi đối mặt thua lỗ, nhưng vẫn phải tiếp tục giữ đàn để trả nợ đại lý cám trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Khó đoán giá heo
Ông Lê Nam Hải, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, có một trang trại nuôi 500 con heo nên theo dõi giá heo hơi biến động hàng ngày, thống kê cho biết, giá heo tại khu vực tỉnh Đồng Nai từ ngày 17-24/7 là 40 ngàn đồng/kg; 25-26/7 là 38 ngàn đồng; 27-30/7 là 36,5 ngàn đồng; từ ngày 31/7 đến ngày 15/8 giảm dần xuống mức 30-31 ngàn đồng và giữ luôn cho đến nay.
Hiện tại, hộ nào có heo đẹp và mối "ngon" mới bán được với giá 30-31 ngàn đồng/kg. "Tuy nhiên, hôm 5/9, tôi gọi cho thương lái nhiều lần để bán 45 con heo nhưng gần hết ngày mà vẫn chưa thấy họ đến", ông Hải nói.
Ông Vy Hướng Mạnh, chủ trang trại ở Xã lộ 25, huyện Thống Nhất, cho biết với giá heo biến động liên tục và giảm như hiện nay khiến người chăn nuôi lo lắng, tiếp tục đối diện thua lỗ. "Giá thành sản xuất của trang trại thường ở mức 35 ngàn/kg, nên rõ ràng đã thua lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng/kg trong vòng 20 ngày qua", ông Mạnh nói.
Theo phản ảnh của một số nhà chăn nuôi, giá heo “nhảy múa” khiến họ gặp nhiều bất lợi, nhất là trong việc mua thức ăn chăn nuôi.
Bởi khi giá heo giảm, nhiều chủ đại lý cám bắt đầu ngưng bán nợ hoặc chốt sổ để thu nợ trước đó. “Còn ít tháng nữa là hết năm, thực tế người chăn nuôi đang muốn giữ đàn với tâm lý chờ tăng giá vào dịp lễ, tết nhưng một số chủ đại lý bán cám lại đang hối thúc trả nợ. Vì vậy, nhiều người phải bán lỗ để trả bớt tiền thức ăn”, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND Xã lộ 25 cho biết.
Tiến thoái lưỡng nan
Ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giá heo hơi ở Đồng Nai xuống thấp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là cung vẫn vượt cầu. Bên cạnh đó, xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch hiện chưa có dấu hiệu khả quan. Trước đây 1 ngày có trên 200 xe tải chở heo (bình quân 150 con/xe) qua cửa khẩu Trung Quốc, nay chỉ còn 50-60 xe.
Xuất khẩu heo qua Trung Quốc chưa có dấu hiệu khả quan |
Mặt khác, theo ông Đoán, tháng 7 âm lịch năm nào (dân gian gọi "tháng cô hồn") giá heo cũng xuống thấp do thị trường tiêu thụ chậm. Ngoài ra, giá giảm còn do "thế lực ngầm" trong ngành chăn nuôi bắt tay làm giá nên nông dân chịu thua thiệt.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, việc giá tăng giảm lung tung là tín hiệu không tốt của thị trường. Khi giá bắt đầu tăng, có thể nông dân găm hàng nên nguồn cung giảm khiến giá tiếp tục lên cao. Khi giá lên đến cực điểm, nông dân lại bung hàng ra nhiều khiến nguồn cung vượt cầu làm giá giảm trở lại.
“Đây là quy luật cung cầu. Bây giờ phải làm sao để điều tiết thị trường, ổn định được giá thì nông dân mới bớt thiệt hại. Hiện giá giảm nên nông dân e dè trong việc tái đàn, không còn ồ ạt chăn nuôi vào những tháng cuối năm như trước”, ông Quang lý giải.
Theo nhận định các chuyên gia, thời điểm hiện tại giá heo đang ở mức không đủ để người chăn nuôi duy trì sản xuất cũng như chưa có tín hiệu rõ ràng cho việc giá sẽ tăng cao do cung cầu nội địa đã bão hòa. Vì vậy, họ đang "tiến thoái lưỡng nan", lùi không được (do phải nuôi để trả nợ đại lý cám) mà tiến cũng không xong.
Trước đó không lâu, thời điểm tăng giá do thông tin hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch cho thị trường Trung Quốc trở lại nên có hiện tượng găm hàng chờ giá cao tạo "nguồn khan cung giả", bên cạnh đó có doanh nghiệp tung "giá ảo" để bán con giống, chứ không phải do người tiêu dùng ăn nhiều thịt heo hơn.
Thực tế cho thấy, việc giải cứu hàng loạt nông sản thời gian vừa qua, trong đó nổi bật nhất là thịt heo đã đem đến nhiều bài học đắt giá. Do vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, giá thịt heo đang trồi sụt bất thường trên thị trường rất cần có những giải pháp, định hướng từ nhà quản lý để người chăn nuôi sắp tới có bước đi cẩn trọng, chắc chắn hơn.
Theo NHẬT VY (nghean.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn