Bán, không bán đều khó!
Giữa trưa hè, cái nắng nồng gắt phả vào mặt người nghe nóng rát. Mải miết gặt nốt phần diện tích cuối cùng của mình trong vụ đông xuân, ông Nguyễn Văn Đức, Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Làm nông nghiệp vất vả mà lời lãi chẳng được là bao. Ngày trước, sau khi lúa được phơi khô khén thì tôi chỉ cần chở ra ngay quầy bán gạo đầu làng là có người hỏi mua ngay, còn bây giờ lúa cũ còn chưa bán hết nói gì đến lúa mới. Một mẫu ruộng lúa đông xuân này, gia đình tôi thu về 2,5 tấn lúa, tính bán một ít để trả nợ nhưng gọi mãi mà chẳng ai ngó ngàng tới”. Theo lời kể của ông, hồi đầu vụ gia đình có bán được mấy yến lúa giống xuân mai và X23 với giá 45 nghìn đồng/ yến, thấp hơn năm trước 20 nghìn đồng/yến. Nhưng như thế cũng là may, chỉ sau đó mấy ngày giá tất cả các loại giống lúa đều ồ ạt lao dốc, nhất là thời điểm chớm thu hoạch rộ, giá chưa đến 40 nghìn đồng/ yến lúa. Thế mới sinh ra chuyện, trong làng nhiều người thà bỏ thêm tiền để mua thêm phi thùng trữ lúa còn hơn nóng ruột bán “lúa non”!
Cùng chung tâm trạng với nông dân Thạch Hà, bà con huyện Can Lộc cũng đang lao đao với nghịch cảnh “bán phải chịu lỗ mà ôm lại thì… khổ”. Bà Trần Thị Nguyệt, xóm 3, Kim Lộc cho hay: “Vụ đông xuân này, năng suất ruộng nhà đạt 3,5 tạ/sào, thực là một kết quả quá sức mong ước của gia đình. Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, nghe giá lúa xuống sụt giảm còn một nửa so với năm ngoái, vì xót của nên tôi cố đợi. Ai ngờ, càng đợi càng hoảng khi “chạm đáy” với 33 nghìn đồng/yến. Bây giờ, lúa cũ, lúa mới chất chật cứng nhà chứ có bán được đâu”. Điều đáng nói, cả mấy tháng giá cứ phập phù, tăng giảm thất thường khiến cho nhà nông cứ vừa ngóng vừa lo. “Hôm trước tôi vừa bán 3 yến lúa TH3-3 với giá 100 nghìn đồng, hôm sau nghe đâu lại tăng hơn được 7- 8 nghìn đồng/yến. Tiếc của nhưng giữ lại cũng chẳng biết đường nào mà lần, cần tiền thì phải bán gấp thôi”, bà Hồng ở xã Yên Lộc bức xúc.
Ngay cả Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài khó khăn khi giá lúa phập phù, mất ổn định. |
Lời bộc bạch của bà con khiến tôi nhớ lại, cách đây chỉ vài vụ có những cánh đồng thương lái tìm mua ngay tại ruộng với giá khoảng 70.000- 75.000 đồng/yến đối với lúa và xấp xỉ 90.000 đồng/yến nếp. Khốn khổ, trong khi vật tư phân bón đầu vào, giống và tiền công thuê máy gặt cùng theo nhau tăng giá thì sản phẩm trực tiếp là lúa gạo lại mất giá. Phải chăng, ngay cả giấc mơ “lấy công làm lãi” trong sản xuất nông nghiệp cũng là khó với người nông dân trong thời điểm này?!
Cần có định hướng trong sản xuất
Đó là lời khẳng định của ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT khi chúng tôi đề cập đến thực trạng “ảm đạm” của mùa lúa đông xuân này. Ông cho biết: “Trên thực tế không phải giống lúa nào cũng xuống giá một cách trầm trọng mà tình trạng đó chỉ rơi vào một số giống lúa có phẩm cấp thấp, chất lượng kém nhưng vẫn được người nông dân ưa dùng cho ruộng nhà. Còn lại, những giống lúa như TH3-3, HT1, bắc thơm số 7… thì vẫn được các thương lái ưa chuộng. Muốn có chỗ đứng trong thị trường, bà con nông dân cần có định hướng sản xuất rõ ràng, trồng cây gì, loại giống nào và nhất là xu thế thị trường ra sao. Vụ đông xuân 2011- 2012 kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó điểm nhấn là tập đoàn giống lúa chất lượng đã khẳng định ưu thế cả về năng suất lẫn chất lượng. Đó chính là xu thế của một nền sản xuất hàng hóa nhằm tăng chuỗi giá trị và phát triển bền vững của nông nghiệp tỉnh nhà”.
Giống lúa Bắc thơm số 7 vẫn cho lợi nhuận ổn định trong vụ thu hoạch đông xuân này |
Tất nhiên, do ảnh hưởng của thị trường lúa gạo trong nước và thế giới, giá lúa trung bình năm nay tụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần nhiều có lẽ vẫn tại ở tập quán canh tác. Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu nhưng lượng thông tin về sản xuất nông nghiệp và các vấn đề liên quan đến với người dân còn quá ít ỏi khiến cho họ mơ hồ làm ăn theo cảm tính. Có khi làm theo phong trào, thấy người này làm, vùng này làm thì làm theo, không cần biết đến đầu ra như thế nào. Kết quả là lúc thì khan hiếm, lúc lại không tiêu thụ kịp. Đó là cơ hội tốt cho tư thương ép giá nông dân khiến cho giá cả bị bất ổn định là điều dễ hiểu.
Trước mắt người nông dân là vụ hè thu cận kề, nỗi lo lắng về thiếu vốn để tái đầu tư trong mùa vụ mới vẫn còn nhiều day dứt. Nên chăng, Nhà nước vẫn cần có một quyết sách kịp thời để tạo cơ chế tiêu thụ cho nguồn lúa gạo nội địa, nhằm tháo gỡ khó khăn tức thời, song cũng là nguồn động viên người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn