Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích gieo trồng mì gần 11.000ha. Cuối tháng 6, tỉnh này ghi nhận có hơn 100ha nhiễm bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 370ha mì bị nhiễm, tập trung tại các huyện: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Định Quán.
Diện tích trồng mì nhiễm bệnh khảm lá chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 10.000ha mì. Thời điểm tháng 8.2018, ghi nhận trên địa bàn tỉnh có gần 410ha nhiễm bệnh khảm lá. Đến giữa tháng 10, tỉnh này đã có gần 2.000ha mì bị nhiễm bệnh. Bệnh đang lan nhanh tại các huyện có diện tích mì lớn như Đồng Phú, Hớn Quản, Chơn Thành...
Anh Nguyễn Ngọc Trung (huyện Hớn Quảng, Bình Phước) trồng xen 15ha mì trong vườn cao su kể, hơn chục năm qua chưa từng thấy bệnh lạ như năm nay. Bệnh làm quắn lá, chưa có thuốc điều trị nên đành “sống chung với lũ”. Cây mì chậm phát triển, năng suất có thể giảm từ 30 – 40%, lượng tinh bột cũng giảm theo.
Song giá mì đang cao, từ 2.300 – 3.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời. Anh Trung dự tính nếu giá mì vẫn duy trì ở mức cao, năm sau anh sẽ tiếp tục trồng và duy trì nguồn giống mì cũ. “Vì nếu mua hom giống mới cũng chưa chắc có nguồn giống sạch bệnh. Các vựa giống bên Tây Ninh cũng bị bệnh hết”, anh Trung nói.
Ở Tây Ninh, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Do giá mì lên cao, nhiều nông dân vẫn tiếp tục trồng bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Nhiều nông dân vẫn chọn trồng mì thay vì cây trồng khác do nguyên liệu thiếu hụt đã đẩy giá mì lên cao; người trồng mì vẫn đang có lãi. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tại huyện Tân Châu, anh Bùi Công Ngọc nhẩm tính, giá củ mì tươi hiện nay hơn 3.000 đồng/kg. Nếu 1ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 30 tấn khi thu hoạch, bán được khoảng 100 triệu đồng.
Sau khi trừ các chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển... người trồng vẫn còn lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/ha. Do đó, anh Ngọc cũng như nhiều nông dân khác vẫn tiếp tục chọn trồng mì chứ không chuyển sang cây trồng khác.
Ông Tạ Văn Minh, nông dân xuất sắc của tỉnh Tây Ninh năm 2018 cho biết phải nhìn nhận thực tế là do nguyên liệu thiếu hụt đã đẩy giá mì lên cao; người trồng mì vẫn đang có lãi.
Ông Minh cho rằng để giải quyết triệt để dịch bệnh phải có sự quyết tâm rất lớn của từ chính quyền, cơ quan chuyên môn lẫn người trồng mì. Nhu cầu của các nhà máy chế mì cũng rất lớn, không thể chịu đựng mãi tình trạng năng suất hoạt động kéo giảm quá sâu.
Ông Tạ Văn Minh cho rằng để giải quyết dịch bệnh phải có sự quyết tâm rất lớn của từ chính quyền, cơ quan chuyên môn lẫn người trồng mì. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 68 nhà máy chế biến khoai mì với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn/ngày. Nhu cầu nguyên liệu củ mì của các nhà máy rất lớn, phải tìm nguồn củ mì tươi từ các tỉnh lân cận và nhập khẩu từ Campuchia.
6 tháng đầu năm 2018, khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 1,45 triệu tấn, chỉ bằng 85% so cùng kỳ. Khối lượng củ tươi nhập khẩu từ Campuchia chỉ còn 622.697 tấn; bằng 62,1 % so cùng kỳ năm 2017. Một số nhà máy tinh bột mì ở Tây Ninh chỉ còn hoạt động khoảng 50% công suất.
Thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, hiện ở khu vực phía Bắc đã có một số nhà máy vào vụ mới. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vụ còn ít, giá mua cao, độ bột thấp. Giá thành sản phẩm tinh bột cũng tăng cao theo. Hiện nay, nguồn mì lát tồn kho niên vụ cũ còn rất ít. Nhiều thương nhân dự đoán, vụ mới có thể vẫn giữ ở mức khá cao khi nguồn nguyên liệu củ mì tươi dùng làm mì lát không dồi dào. Tuần trước (ngày 19.10), giá mì nguyên liệu, loại chữ bột 30% ở khu vực Tây Ninh (cả Campuchia lẫn bội địa) duy trì ở mức giá 3.100 – 3.250 đồng/kg. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn