Do giá cà phê thế giới hồi phục nên giá cà phê tại Tây Nguyên sáng nay đồng loạt tăng 300 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Giá cà phê hôm nay bật tăng trở lại
Theo ghi nhận từ thị trường, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 10/8/2018 hồi phục trở lại sau khi đã giảm tới 2 phiên liên tiếp, hiện giao dịch từ 34.500 – 35.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, giá cà phê nguyên liệu tại Đắk Lắk, Gia Lai cùng ở mức 35.100 đồng/kg, tại Đắk Nông đạt 35.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại địa bàn Lâm Đồng tăng 300 đồng/kg, hiện chốt tại mức 34.500 đồng/kg.
Tại cảng TPHCM, cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam tăng 16 USD lên mức 1.561 USD/tấn (giá FOB), trừ lùi vẫn ở mức 110 USD/tấn.
Thị trường cà phê robusta thế giới tăng lên kéo thị trường cà phê trong nước về mức giá cũ trong phiên giao dịch trước. Cụ thể, chốt phiên ngày hôm qua tại sàn London, giá cà phê robusta giao kì hạn tháng 9/2018 tăng 16 USD/tấn, đạt 1.671 USD/tấn, tương đương mức tăng 0,97%.
Giá cà phê hôm nay tại một số thị trường chính. Nguồn: giacaphe
Tuy nhiên đối với cà phê arabica, mức giảm vẫn chưa dừng lại khi chốt phiên giao dịch chỉ còn 107,65 cent/lb kì hạn tháng 9/2018, giảm 0,20 cent/lb so với phiên trước đó.
Trong năm mùa vụ 2017/18, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo đạt 29,5 triệu bao, tăng 15,5% so với năm trước. Trong khi đó, sản lượng tại Indonesia dự kiến giảm 5,1% xuống 10,9 triệu bao, vì hoạt động chăm sóc không tốt và một số hộ chuyển sang trồng cây khác.
Với nguồn cung gia tăng, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 2,58 triệu bao trong tháng 6, tăng so với mức 1,92 triệu bao tháng 6/2017, và tăng 19,4% lên 21,98 triệu bao trong 9 tháng đầu vụ 2017/18.
Ngược lại, xuất khẩu của Indonesia giảm 32,6% xuống 4,14 triệu bao trong giai đoạn tháng 10/2017 – tháng 6/2018. Cùng với sản lượng giảm, tiêu thụ nội địa của Indonesia lại tăng trong những năm gần đây, khiến nguồn cung cho xuất khẩu giảm.
Giá tiêu hôm nay ngừng đà giảm nhưng vẫn chưa thoát khỏi mức "nguy hiểm"
Hiện giá tiêu tại Gia Lai, Đồng Nai đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm nay, chỉ đạt 49.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước giá tiêu hôm nay duy trì mức 50.000 đồng/kg, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 51.000 đồng/kg.
Từ đầu tháng 8 tới nay, giá tiêu tại thị trường nội địa giảm liên tục, thậm chí tại Chư Sê (Gia Lai) có lúc chỉ còn 48.000 đồng/kg, xuống dưới giá thành sản xuất. Ảnh minh hoạ
Liên tục giảm trong thời gian qua, giá hạt tiêu hiện đã xuống ở mức ngang với giá thành sản xuất và có khả năng giảm tiếp, khiến người trồng tiêu đứng trước nguy cơ thua lỗ ngày càng lớn.
Theo nguồn tin trên thị trường hạt tiêu, giá tiêu nội địa giảm có nguyên nhân không nhỏ từ việc hạt tiêu từ Indonesia được nhập khẩu nhiều về Việt Nam vì có giá bán xô thấp hơn. Năm 2017, Indonesia đã xuất khẩu 42.700 tấn hạt tiêu thì 40% trong số đó là xuất sang Việt Nam.
Tình trạng dư cung trên toàn cầu vẫn tiếp diễn khi Indonesia, Malaysia, Sri Lanka… vừa gần như hoàn thành vụ thu hoạch hay đang tiến hành thu hoạch, cũng gây sức ép làm giảm giá hạt tiêu trên thị trường thế giới, trong đó có tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Giá tiêu đen xuất khẩu loại 550g/l hiện chỉ còn khoảng 2.600 USD/tấn, loại 500 g/l còn 2.450 USD/tấn. Giá chào bán tiêu đen xuất khẩu giảm mạnh cũng ảnh hưởng nhiều tới giá tiêu nội địa.
Việc giá hạt tiêu giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg trong thời gian qua đang là mối lo ngại lớn cho cả ngành hàng hồ tiêu. Bởi khi đã mất mốc 50.000 đồng, nguy cơ giá tiêu còn giảm tiếp là hoàn toàn có thể xảy ra, khi mà sản lượng tiêu vụ tới nhiều khả năng vẫn rất dồi dào do được mùa và diện tích trồng tiêu mới vẫn còn khá nhiều không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trồng tiêu khác.
Theo Thiên Ngân (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn