Giá nông sản hôm nay 26.10, thị trường ghi nhận giá cà phê Tây Nguyên đã tăng trở lại. Ảnh minh hoạ
Giá cà phê thoát chuỗi ngày giảm sâu?
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, từ ngày 21.10 giá cà phê nhân trong nước liên tục sụt giảm mạnh theo giá giảm trên sàn kì hạn. Cụ thể, trong ngày 21.10 giá cà phê tại Tây Nguyên mất "đau" nhất khi giảm tới 1.200 đồng/kg, sau đó giá chỉ tăng nhẹ 100 đồng/kg vào ngày 24.10 rồi lại quay đầu giảm mạnh 500 đồng/kg trong ngày hôm qua.
Như vậy chỉ trong 3 phiên giao dịch, giá cà phê trong nước đã bị giảm tới 1.600 đồng/kg, tương đương 1,6 triệu đồng/tấn, đưa giá cà phê về giao dịch ở sát mức 40 triệu đồng/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất ghi nhận được trong năm 2017.
Tuy nhiên, thị trường cà phê cũng đã bớt lo lắng khi chốt phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê robusta kì hạn giao tháng 1.2018 tăng trở lại 16 USD/tấn nên đã tác động tích cực tới giá cà phê trong nước. Theo đó, giá cà phê hôm nay 26.10 tại các tỉnh Tây Nguyên được dự báo sẽ tăng khoảng 300 - 400 đồng/kg, đưa giá về giao dịch trong khoảng 41.000 - 42.100 đồng/kg.
Trên sàn kì hạn London, giá cà phê robusta đóng cửa ở mức 2.010 USD/tấn kì hạn tháng 11.2017, tăng 17 USD/tấn; kì hạn giao tháng 1.2018 tăng 16 USD/tấn, chốt ở mức 1.961 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trên sàn arabica New York, giá chốt kì hạn giao tháng 12.2017 tăng 0,90 cent/lb, đóng cửa ở mức 124,1 cent/lb. Giá kì hạn tháng 3.2018 cũng tăng 0,85 cent/lb, đóng cửa mức 127,8 cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Một số thông tin từ thị trường cho rằng sản lượng cà phê robusta Việt Nam niên vụ mới năm nay có khả năng tăng nhẹ và nhất là tồn kho trong tay các nhà kinh doanh robusta vẫn còn ở mức khá nên sẽ còn gây khó khăn cho thị trường cà phê robusta thời gian tới.
Giá tiêu hôm nay ổn định song vẫn ở mức thấp
Giá tiêu hôm nay 26.10 vẫn duy trì ở mức dưới 80.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Theo khảo sát, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu hôm nay gần như không biến động so với hôm qua. Từ sau khi xuống dưới ngưỡng 80.000 đồng/kg vào ngày 10.10, giá hồ tiêu trong nước vẫn loanh quanh trong khoảng 76.000 – 78.000 đồng/kg, thậm chí giá tiêu tại Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai có thời điểm còn tụt xuống 75.000 đồng/kg.
Do giá tiêu hôm nay vẫn ở mức thấp và chỉ bằng gần một nửa giá so với hồi đầu năm nên các nhà buôn, doanh nghiệp đang bị lỗ nặng. Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc, với mặt hàng kinh doanh chính là hồ tiêu, trong quý 3.2017 công ty này đã bị lỗ khủng, lên tới 40 tỷ đồng. Nguyên nhân là giá tiêu đã giảm từ mức 180.000 đồng/kg hồi đầu năm xuống chỉ còn 90.000 đồng/kg, hiện nay là dưới 80.000 đồng/kg.
Giá đường nội cao hơn đường ngoại, "đầu nậu" ráo riết chuyển hàng về qua biên giới
Theo khảo sát từ Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), giá bán buôn đường cát trung và đường cát to tuần qua tại An Giang ổn định lần lượt ở mức 16.000 đồng/kgvà 17.000 đồng/kg sau khi giảm 1.500 đồng/kg tuần trước. Tại Hưng Yên, giá đường tinh luyện trắng tinh – trắng ngà ổn định ở mức 14.000 – 14.800 đồng/kg.
Ngành mía đường trong nước "ngắc ngoải" vì cuộc chiến không cân sức với đường lậu bởi giá đường lậu quá rẻ. Ảnh: Tư liệu
Hiện nay, khi giá đường trong nước cao hơn so với giá đường ngoại, giới “đầu nậu” đã ráo riết vận chuyển hàng qua biên giới vào Việt Nam. Năm 2016 và nửa đầu năm 2017 được đánh giá là thời gian hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp với nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn, lực lượng chức năng gặp không ít những khó khăn và buồn lậu đường ngày càng trở thành vấn nạn đầy thách thức với ngành mía đường Việt Nam.
Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu, còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi chúng ta thực hiện các cam kết về thương mại.
Để ngành mía đường phát triển trước tác động của hội nhập, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các nhà máy đường nhằm tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam. Các nhà máy đường cần chủ động giảm giá thành thông qua chính sách về giá bán, tạo lập kênh phân phối riêng, qua đó kiểm soát và bình ổn giá đường trong nước.
Theo thông tin của Tổ chức Đường thế giới (ISO), hàng năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam tương đương khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành. Chính vì vậy, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại của hàng hóa, đặc biệt trong ngành mía đường là trách nhiệm của các lực lượng chức năng và toàn xã hội với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: Đề xuất Chính phủ dừng việc tạm dừng tái xuất, các địa phương dứt khoát không cấp phép mới cơ sở sang bao đóng gói mà không có nhà máy; sớm hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành mía đường đến năm 2030.
Theo Thiên Ngân (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn