Tại tọa đàm trực tuyến: “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn đảm bảo cung – cầu thực phẩm dịp Tết” do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 14/11, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, đúng là giá lợn hơi tăng nhanh trong mấy ngày qua, nhưng đó là hiện tượng cá biệt.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, Việt Nam không khủng hoảng thiếu thịt lợn.
"Giá chủ lưu do các doanh nghiệp áp dụng vẫn ổn định ở mức 58.000 – 65.000 đồng/kg, trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc nằm trong khoảng 65.000 – 66.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam 60.000 – 61.000 đồng/kg. Như vậy, nguyên nhân chính không phải do chúng ta thiếu hụt nguồn cung quá lớn mà có vấn đề về lưu thông, thông tin" - ông Dương nói.
Theo ông Dương, có hiện tượng này là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, còn con nào giá như vàng thì đương nhiên giá tăng; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm.
Ông Dương cũng khẳng định, nguồn thịt lợn hiện nay không quá thiếu hụt đến mức khủng hoảng, bên cạnh đó, chúng ta còn bổ sung lượng thịt gia cầm, thủy sản khá dồi dào, nên sẽ không có biến động lớn nếu tổ chức tốt.
Nguồn cung thịt sẽ thiếu nhưng sẽ không rơi vào khủng hoảng trong dịp cuối năm.
"Dịp cuối năm, chắc chắn giá lợn sẽ tăng cao, đây cũng là xu thế tất yếu vì nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết cao, nhưng tăng quá cao thì không, chúng ta không lo khủng hoảng nếu sản xuất tốt. Nếu không chỉ đạo tốt thì sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên.Hiện nay, dịch đã cơ bản kiểm soát tốt, nên các địa phương nên vận động người dân tái đàn có kiểm soát, đừng né tránh việc tái đàn, nếu đủ điều kiện hãy hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn" - ông Dương nhấn mạnh.
Để chủ động nguồn thực phẩm, theo ông Dương, người tiêu dùng cũng nên chuyển đổi cơ cấu bữa ăn, gà đồi Yên Thế, cá chép, cá trắm rất ngon, hãy chuyển sang dùng thực phẩm này, thay vì chỉ dùng thịt lợn; điều này cũng là một giải pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, với Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải kiểm soát được nguồn cung. Đặc biệt, vụ đông xuân sắp tới rồi chúng ta không được chủ quan lơ là, mà phải làm quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nếu để tái dịch sẽ rất nguy hiểm. Phải tái đàn ngay bây giờ để có thịt cung cấp cho thị trường hiện tại và Tết sắp đến.
Ngành Công Thương đặc biệt phải quan tâm bình ổn giá, trứng, gà không sợ thiếu, chúng ta phải dùng các biện pháp để bình ổn, không để thị trường bị phá vỡ.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/gia-thit-lon-150000d-kg-cuc-truong-chan-nuoi-khuyen-an-ga-tom-ca-1032162.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn