Cải tạo ao đầm, thả giống
Trước khi thả tôm, người nuôi cần đảm bảo các yếu tố môi trường nước, đất ao ở ngưỡng cho phép: độ mặn 10 - 20‰, độ trong 30 - 35 cm, độ sâu 1,2 - 1,5m, ôxy hòa tan từ 5 mg/l trở lên, pH 7,8 - 8,3, AH (độ kiềm) 80 - 140 mg/l CaCO2, khí độc (H2S, NO2, NH3) phải bằng không. Để có được các chỉ tiêu trên, người nuôi cần thực hiện các khâu kỹ thuật, cải tạo, sên vét ao, đầm, diệt tạp, bón vôi. Khi lấy đủ nước vào ao, nên gây màu nước bằng bột cá và bột đậu tương tỷ lệ 1:2 với liều lượng 1 - 1,5 kg/1.000 m2, tạo nguồn thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường ao nuôi. Khi màu nước ao đạt yêu cầu (vàng nâu hoặc nâu lục) thì mới thả giống. Lúc mới thả, tôm còn yếu, khả năng bơi và bắt mồi chưa tốt, nên ngoài thức ăn công nghiệp tôm còn ăn nhiều thức ăn tự nhiên; do vậy việc tạo màu nước tốt ban đầu là rất quan trọng, để nâng cao tỷ lệ sống cho tôm.
Trước khi thả tôm, người nuôi cần báo cho nơi bán giống, độ mặn ao, yêu cầu điều chỉnh độ mặn bể ương tương đương độ mặn ao (không chênh quá 4‰). Những người nuôi có điều kiện thì nên ương tôm trong vèo, diện tích 200 - 300 m2 có mái che và lót bạt nền đáy, đồng thời lắp sẵn hệ thống thổi khí đáy, quản lý tốt các yếu tố môi trường, thả tôm ở mật độ 300 - 400 con/m2, sau 1 tháng nuôi mới chuyển ra ao tôm để nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế bệnh chết sớm (EMS) trên tôm. Nên chọn kích cỡ giống lớn (Pl12 trở lên), thả tôm vào buổi sáng hoặc chiều tối, khi trời mát. Đối với giống tôm vận chuyển xa, khi thả cần ngâm bọc tôm xuống ao 15 - 20 phút để tôm thích nghi nhiệt độ trong ao, sau đó mới từ từ cho nước vào bọc và thả tôm. Nên thả tôm ở đầu gió và tránh làm đục nước nơi thả. Cần ước tính lượng tôm trong ao lúc thu hoạch mà lắp quạt khí với 1 dàn quạt (15 cánh) có thể cấp đủ ôxy cho 400 kg tôm nuôi, 1 dàn quạt lông nhím cấp ôxy gấp 1,5 lần quạt cánh.
Thức ăn và cho ăn
Không được cho tôm ăn thức ăn tươi sống (cá, nhuyễn thể, trứng nghiền…) trong thời gian mới thả, vì không những tôm chưa ăn được mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Sau khi thả 2 - 4 giờ, cần cho tôm ăn ngay. Việc cho ăn theo đúng quy tắc là hết sức quan trọng, do vậy cần phải tuân thủ quy tắc chung về chất, lượng, địa điểm, thời gian. Trong 10 ngày đầu, cho tôm ăn cách bờ 2 - 4 m, thức ăn là cám công nghiệp dạng bột mịn. Thức ăn cần trộn vào nước, té xuống ao và tắt bớt quạt khí khi cho ăn.
Sau khi thả 2 - 4 giờ, cần cho tôm ăn ngay - Ảnh: Thanh Ngân
Ngày thứ 10, lấy một ít thức ăn dạng cỡ nhỏ vào sang, để tôm làm quen và dễ kiểm tra lượng thức ăn dư. Sàng đặt cách bờ 1,5 - 2 m, không đặt ở góc ao và cứ 1.000 - 1.500 m2 đặt một sàng. Trộn vitamin, khoáng chất vào thức ăn cho tôm với liều lượng theo chỉ dẫn của nhà cung cấp, giúp tăng sức đề kháng. Đối với tôm thẻ chân trắng (TTCT) tốc độ sinh trưởng nhanh (lột xác nhiều lần), cần lượng khoáng cao, vậy cần tăng khoáng khi bón xuống ao gấp 1,2 - 1,5 lần so với tôm sú.
Đối với tôm sú ngày đầu thả giống, cho ăn 1,2 - 1,5 kg thức ăn/10 vạn giống, cứ 2 ngày tăng 0,2 - 0,3 kg/10 vạn giống. TTCT ngày đầu ăn 2,8 - 3 kg/10 vạn giống. Trong 10 ngày đầu, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/10 vạn giống, từ ngày thứ 10 đến 20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/10 vạn giống.
Tôm mới thả cần cho ăn 5 - 6 lần/ngày để tôm ăn mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Đối với TTCT trong 5 ngày đầu cho ăn 6 - 8 lần/ngày. Khi tôm thả được 30 ngày thì cho ăn 4 lần/ngày. Thức ăn hàng ngày có thể cho ăn nhiều hơn vào buổi sáng (10 giờ) và buổi chiều (17 giờ) hoặc điều chỉnh tùy thuộc vào sức ăn của tôm và điều kiện ao nuôi (chất lượng nước, thời tiết, sử dụng hóa chất…). Sau khi thả tôm 7 - 10 ngày, thức ăn tự nhiên trong ao cạn dần, vậy cần bón chế phẩm sinh học, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn thức ăn tự nhiên.
Chăm sóc, quản lý
Khi ương tôm trong vèo, cần duy trì chế độ sục khí nền đáy, sử dụng chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nước. Sau 1 tháng có thể chuyển tôm ra ao nuôi, có thể chuyển tôm qua cống sang ao nuôi, hoặc dùng lưới mềm, nhẹ nhàng vét, chuyển tôm sang ao nuôi. Khi chuyển tôm sang ao nuôi phải điều chỉnh môi trường nước ao tương đương vèo ương, tránh bị sốc.
Kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, AH, H2S, NH3 … thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi thả giống được 10 ngày, có thể sử dụng chế phẩm sinh học (như EMC, TA - Ponpro…) bón xuống ao, định kỳ 7 - 10 ngày/lần, giúp phân hủy thức ăn dư thừa, chuyển hóa khí độc, ổn định môi trường, màu nước ao nuôi, tạo nguồn thức ăn tự nhiên và hạn chế dịch bệnh trên tôm.
Nên lựa chọn thức ăn công nghiệp có chất lượng, không bị ẩm mốc, trong quá trình cho ăn nên bổ sung men vi sinh, vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng, giúp tôm phát triển tốt.
>> Sử dụng vèo ương tôm trong tháng nuôi đầu có thể ương ở mật độ cao, quản lý tốt môi trường và hạn chế được dịch bệnh EMS. Đây là phương pháp nuôi đang được người nuôi vùng ĐBSCL áp dụng nhiều trên TTCT mang lại hiệu quả cao. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn