Mạnh dạn thay đổi
Nhận thấy việc trồng và canh tác giống hoa hồng nhung theo phương pháp truyền thống có chi phí chăm bón tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức mà nguồn thu nhập lại không cao, anh Phạm Đức Tài cùng một số nông dân đã tìm nguồn hoa mới phù hợp với thị hiếu người chơi và thị trường hoa.
Anh Phạm Đức Tài chăm sóc giống hoa hồng mới
Từ các đại lý hoa nhập khẩu và tìm hiểu trên mạng Internet, anh đã đến tận các nhà vườn lựa chọn, sàng lọc các giống phôi gốc là hoa hồng dại, hồng rừng (gốc cây tầm xuân) có sức sống khỏe được xuất xứ từ nước ngoài như: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp… về trồng và nuôi cấy. Theo tiêu chí đặt ra, những loại phôi gốc được anh chọn lựa phải có dáng đẹp, phù hợp với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam, có thể dễ dàng chiết ghép và giá thành phù hợp.
Ban đầu khi mới đưa vào trồng loại hoa mới này, anh Tài và một số người bạn còn khá e ngại không dám trồng với số lượng lớn. Bởi vậy, anh vừa trồng vừa tìm hiểu thị trường đầu ra, mặt khác theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa để có biện pháp xử lý kịp thời.
Qua quá trình canh tác, anh đã tự mình tìm tòi, học hỏi và tiến hành ghép các giống hoa hồng nhiều màu khác nhau trên một phôi gốc nhập về, tạo sự khác biệt trên thị trường.
Anh Tài chia sẻ: “Nếu đã có kinh nghiệm trồng hoa, cắt ghép hoa thì việc trồng loại hoa này không khó. Cái khó ở chỗ khi chăm sóc phải chú ý vào điều kiện thời tiết và các loại sâu, bệnh của hoa để kịp thời xử lý. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, mắt ghép và cây gốc có thể sinh trưởng 100%, các mùa có điều kiện thời tiết xấu như mưa dài ngày, nắng hạn, sương muối… cũng đạt đến 80%”.
Hiện nay, tại nhà vườn của mình, anh Tài đã có trên 40 loại hoa hồng khác nhau cùng đua sắc. Ngoài ra, để tận dụng khoảng trống và tăng nguồn thu từ khu vườn, anh còn trồng xen kẽ các loại hoa, cây cảnh ngắn ngày khác như: Ly, cúc, hướng dương, sen đất…
Lợi nhuận cao
Anh Đặng Đình Xuân, một trong số những người tiên phong trồng và phát triển loại hoa này cho biết, so với trước đây khi trồng hoa hồng nhung cắt bông, anh đầu tư số vốn ngang ngửa nhưng hiệu quả kinh tế của loại hoa này lại tăng rõ rệt.
Cụ thể, chi phí dành cho vật tư, nhân công và giống cây sẽ chiếm từ 30 - 40 triệu đồng/sào Bắc Bộ với 1.500 gốc hoa. Số tiền đầu tư có thể chênh lệch tùy theo tuổi thọ của gốc phôi nhập về. Bên cạnh đó, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh dành cho giống hoa hồng bonsai này giảm hơn hẳn so với trồng hoa hồng truyền thống. Nếu như trước kia cứ 7 ngày anh đã phải phun thuốc trừ sâu, nhện, bệnh đốm lá… thì nay thời gian là 10 ngày mà lượng thuốc bảo vệ thực vật rất ít vì phun theo từng gốc hoa.
Trong một năm, anh Xuân có thể canh tác 3 vụ hoa, mỗi vụ kéo dài từ 3 - 4 tháng và cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng sau khi trừ toàn bộ chi phí đầu vào. Thị trường chủ yếu của các loại hoa này là trên mạng Internet, các hội chơi hoa, cây cảnh, các gia đình mua làm cảnh, các dịp lễ tết…
Do nhu cầu tăng mạnh trong những dịp cuối năm, anh Xuân đã tăng diện tích nhà vườn của mình từ 1 sào lên đến gần 4 sào, đảm bảo nguồn cung cấp hoa thường xuyên, liên tục cho thị trường. Giá của những loại hoa này dao động từ 300 ngàn đến khoảng 3 - 4 triệu đồng/chậu tùy thuộc vào tuổi của hoa và giống hoa được nhập về.
Mô hình trồng hoa mới của Hội Hoa nhà vườn Mê Linh đã được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá rất cao và tiến hành lựa chọn làm mẫu để giới thiệu đến các xã lân cận tham quan, học hỏi nhằm nhân rộng trên địa bàn. Ông Bùi Quốc Hội, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh chia sẻ: Huyện có chủ trương khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng các giống hoa mới đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn bằng việc hỗ trợ con giống, vật tư, kỹ thuật trồng và chăm sóc... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn