Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Hưng Phú (Mỹ Tú) nhận thấy tiềm năng rất lớn từ các loại cây có múi nên đã chuyển đổi nhiều diện tích mía, tràm kém hiệu quả sang trồng các loại bưởi, quýt, cam và đặc biệt là cây cam xoàn - một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao so với cam sành hay cam mật và thị trường tiêu thụ cũng rộng mở hơn...
Ông Lê Văn Thanh buồn rầu khi cam xoàn rụng đầy gốc.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng cam xoàn chia sẻ kinh nghiệm cũng như sự gắn kết với nhau trong sản xuất, những người canh tác đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phương An.
Ngoài là “ngôi nhà chung” của thành viên, nơi đây còn thu mua cam xoàn của người dân tại địa phương, cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam. Tuy các thành viên HTX đều có kinh nghiệm trồng cam, nhưng 2 năm trở lại đây đành “bó tay” khi cam bị rụng trái hàng loạt.
Ông Lê Văn Thanh, ấp Phương An 2 tâm tình: “Tôi có 4 công cam xoàn, đã thu hoạch trái 3 năm nay, quả thật so với các loại cây trồng khác thì cây cam xoàn cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Vụ cam đầu tiên, sản lượng trái chỉ 1,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về 25 triệu đồng. Với 4 công cam, năm 2015, tôi thu về số tiền 100 triệu đồng. Lợi nhuận quá hấp dẫn, tôi mạnh dạn quy hoạch chuyển đổi 16 công đất mía xuống giống cam xoàn, hiện vườn cam đã được gần 3 năm tuổi, tương lai gần vườn cam sẽ đem về nguồn thu đáng kể”.
Nói đến đây, ánh mắt ông Thanh đượm buồn bởi không biết việc ông nghĩ nguồn thu “tiền tỉ” từ vườn cam có thành hiện thực không khi 2 năm nay cam bị rụng liên tục mà không tìm ra nguyên nhân.
Ông Thanh bộc bạch: “Vườn cam trái trĩu cành, ấy vậy mà trái cứ rụng từ lúc còn nhỏ cho đến gần thu hoạch, dù các nhà chuyên môn đã đến tận vườn để xem xét và tìm hướng xử lý nhưng vẫn chưa có kết quả. Nếu như vụ đầu tiên lợi nhuận 100 triệu đồng, thì trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017 vườn cam bị lỗ tổng cộng gần 50 triệu đồng, vụ 2018 này, cam vẫn tiếp tục rụng đầy vườn, ước thất thu hơn 80%, chắc chắn vụ này sẽ bị lỗ tiếp”.
Với tình hình trên, ông Thanh đang mong chờ các nhà khoa học nghiên cứu, nhanh chóng tìm nguyên nhân, giúp thành viên HTX yên tâm sản xuất, đảm bảo nguồn lợi nhuận từ cây cam đem lại.
Anh Tùng cho rằng cam xoàn rụng từ lúc đậu trái đến lúc gần thu hoạch.
Cũng rầu lo khi vườn cam 2ha đang độ cho trái nhưng rụng rất nhiều, anh Lâm Văn Tùng, Khóm 3, Phường 2 (TX. Ngã Năm) tâm sự: “Thấy anh em trong HTX làm cam có hiệu quả nên tôi xin tham gia, vườn cam của tôi đã thu hoạch trái 2 năm. Năm đầu tiên cam ra hoa nhiều, nhưng bị vài đám mưa liên tiếp, khi cơn mưa đi qua nắng nóng gay gắt làm cam bị sốc nhiệt dẫn đến bông cam rụng hơn 50%, ảnh hưởng lớn đến việc đậu trái và sản lượng cam thu hoạch...".
Vụ đầu tiên anh Tùng phá huề, cũng khá buồn nhưng nghĩ sẽ vớt lại các năm sau. Nhưng tình hình năm nay không khá hơn, bởi gặp trường hợp cam trái rụng liên tục, đầu mùa hoa đạt, lúc kết trái hơn đầu ngón tay cái đã bắt đầu rụng từ từ, cho đến khi trái lên da chuẩn bị bán vẫn rụng. Giờ vườn cam của gia đình anh rụng hơn 70%. Nếu không bị rụng trái, thu hoạch 2ha ước đạt 40 tấn. Tuy nhiên giờ chỉ còn lại tầm 17 tấn, anh không có lợi nhuận và tiếp tục lỗ 2 năm tầm 100 triệu đồng”.
Theo bà con nhà vườn, do trái cam bị rụng nhiều, chưa tìm rõ nguyên nhân, dù cố gắng chăm sóc nhưng tình hình vẫn không khả quan. Với tình hình nêu trên, hiện tại điều bà con nhà vườn mong chờ nhất là các nhà khoa học tìm ra hướng khắc phục tình trạng cam bị rụng trái, nhà vườn mới yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, bà con cũng mong trái cam đạt chuẩn VietGAP sẽ tìm được đầu ra ổn định, nhằm giữ giá cam bình ổn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Ngọc Hạp cho biết: “Vấn đề cam của thành viên HTX Nông nghiệp Phương An bị rụng hàng loạt, chúng tôi đã nắm được thông tin và đang tìm ra nguyên nhân, cũng như đang hỗ trợ HTX khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, đơn vị cũng liên kết các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ để có câu trả lời với các hộ dân.
Bước đầu theo ngành chức năng nhận định cam bị rụng do thiếu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu thực địa, nhận thấy Mỹ Tú thuộc vùng đất phèn chua, muốn trồng cây ăn trái tốt phải cải tạo vườn, tạo mô đất cao cách mặt đất tầm 5 tấc, bởi mực nước phèn cách mặt đất không xa, khi rễ cam phát triển ăn xuống đất sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của toàn bộ cây.
"Khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ khi cây bị nhiễm phèn sẽ dẫn đến bệnh vàng lá, là vấn đề sớm hay muộn. Trước mắt để hạn chế tình trạng cam rụng trái, đơn vị tăng cường tập huấn kỹ thuật cho HTX và các hộ dân và khuyến cáo hộ dân bổ sung vi lượng cùng phân bón hữu cơ, nhằm giúp cây có đầy đủ chất dinh dưỡng”, ông Huỳnh Ngọc Hạp cho hay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn