Dự án VnSAT là một trong những dự án lớn, mang tầm quan trọng của Bộ NN&PTNT, góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên. Đồng thời thông qua các hoạt động đào tạo kỹ thuật, bà con nông dân đã được tiếp cập những kỹ thuật canh tác mới, lựa chọn giải pháp canh tác thông minh giúp nông dân thích nghi với diễn biến cực đoan của thời tiết vốn là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao năng suất lại bảo vệ môi trường.
Sau 3 năm thực hiện, dự án Vnsat đã có nhiều bước chuyển biến lớn, trong đó riêng hai ngành hàng lúa gạo và cà phê đã khẳng định kết quả tác động rõ nét thông qua việc thay đổi nhận thức, hành vi của người nông dân. Cụ thể, dự án đã tác động tích cực tới 421 tổ chức nông dân ở cả 2 vùng ĐBSCL và Tây Nguyên thông qua các hoạt động đào tạo quy trình canh tác bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn về quy mô và tỷ lệ hộ nông dân áp dụng các quy trình được đào tạo để đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị phục vụ sản xuất. Các hoạt động đào tạo quy trình canh tác bền vững, đến nay toàn dự án đã đào tạo được 206,044 hộ nông dân về sản xuất cà phê và lúa gạo bền vững. Việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững đã tạo điều kiện cho liên kết chuỗi giữa nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở các tỉnh ĐBSCL.
Khi dự án mới triển khai vào năm 2016 cũng là năm hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Để kịp thời đối phó với hạn hán, dự án VnSAT đã gấp rút triển khai các mô hình trình diễn tưới nước tiết kiệm trên toàn vùng Tây Nguyên. Dự án đã triển khai đồng bộ thực hiện nhiều hoạt động như:
- Đào tạo sản xuất và tái canh cà phê bền vững – Thích ứng biến đổi khí hậu
- Xây dựng mô hình trình diễn dự báo lượng nước tưới và hệ hống tưới tiết kiệm
- Hỗ trợ cho các nông hộ 50% chi phí để lắp đặt hệ thống tưới cho cây cà phê.
Đến nay, hệ thống tưới nước tiết kiệm hiện đại của dự án đang được nhân rộng khắp Tây Nguyên, với mô hình này lượng nước luôn được kiểm soát giúp nông dân kiểm soát được phân bón, tiết kiệm được chi phí và tăng năng suất cây trồng – thích ứng với biến đổi khí hậu. Các vườn ươm cà phê được dự án hỗ trợ đã bắt đầu đi vào sản xuất, cung ứng giống cà phê chất lượng cao, vừa kịp mùa trồng mới/tái canh cho năm 2019. Đến nay đã hoàn thành thi công 18 vườn, đang thi công 8 vườn, các vườn còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong 3 năm qua dự án đã phối hợp với các tỉnh để làm việc rất tốt, dự án đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất, hoạt động dự án đã đi vào quỹ đạo và đến năm nay đã có kết quả rất khả quan. Thứ trưởng chỉ đạo Ban Quản lý dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trọng điểm trong năm 2019 trong việc tăng diện tích áp dụng sản xuất lúa gạo và cà phê theo hướng bền vững tái canh hướng tới xuất khẩu, tập trung thúc đẩy tiến độ các hoạt động của dự án trong đó việc triển khai và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm cho cà phê của Tây Nguyên. Nội dung hoạt động của dự án trong những năm còn lại rất lớn, đây cũng là giai đoạn gấp rút mà ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án VnSAT cần tăng tốc để về đích đúng mục tiêu kế hoạch, đóng góp tích cực cho công cuộc tái cơ cấu chung của toàn ngành.
Dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và sự đồng hành hỗ trợ của Ngân hàng thế giới năm 2019 sẽ là một năm tạo nên sự đột phá của Dự án VnSAT với các hoạt động trọng điểm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn