90% người dân không biết chữ và 0% nợ quá hạn
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Thuận, Bác Ái là 1 trong 64 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Từ khi được tách ra vào năm 2001, huyện Bác Ái có tới 95% là người dân tộc Raglay với hơn 26.000 khẩu. Đây là vùng núi cao hiểm trở, thiên nhiên khắc nghiệt, có tới 70% hộ nghèo đói, hơn 90% người dân không biết chữ, sống chủ yếu du canh du cư, tập quán sản xuất lạc hậu...
Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra trực tiếp Tổ giao dịch tại xã miền núi Phước Đại. Ảnh: T.G
"Nhiều năm qua Ngân hàng CSXH huyện bố trí tổ giao dịch về trực tiếp tại xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi cho bà con hết sức thuận lợi. Qua đó đã giúp hộ nghèo kịp thời vay vốn, giúp địa phương thường xuyên nắm bắt được tâm tư của hộ nghèo, giám sát được việc vay vốn, từ đó đã có sự nhắc nhở bà con trong việc sử dụng đồng vốn chính sách có hiệu quả hơn…”. Ông Chamaléa - |
Bên cạnh đó, huyện Bác Ái khi mới tách lập là sự thiếu thốn về y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp lạc hậu... Đây thực sự là “lực cản”, bài toán khó để thay đổi hẳn diện mạo huyện nghèo Bác Ái. Phương châm của cấp ủy, chính quyền, các ngành của huyện là phải kiên trì triển khai thực hiện phát triển kinh tế-xã hội gắn với giảm nghèo bền vững theo từng giai đoạn.
Xác định tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được triển khai bài bản trên địa bàn huyện Bác Ái.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn, mọi thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi, thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái đều được thực hiện công khai tại tất cả 9 điểm giao dịch xã với sự giám sát chặt chẽ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Ngân hàng CSXH huyện duy trì đều đặn phiên trực giao dịch cố định hằng tháng tại các xã, nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp kịp thời tháo gỡ.
Với mạng lưới gần 112 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín khắp các thôn, buôn tại 9 xã trong toàn huyện, Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Sau 15 năm hoạt động, tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái thực hiện đạt 150 tỷ đồng với 4.900 hộ vay. Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái là một trong những đơn vị tiêu biểu của hệ thống Ngân hàng CSXH duy trì chất lượng tín dụng tốt, với tỷ lệ nợ quá hạn là 0% được 1 năm qua…
Tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động
Nguồn vốn vay ưu đãi được Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái thực hiện trong những năm qua đã góp phần thu hút và tạo việc làm cho trên 20.000 lao động; trên 370 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; cải tạo và xây mới được hơn 1.500 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới, sửa chữa gần 1.500 căn nhà ở cho hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 giảm xuống 46% từ mức gần 59% đầu giai đoạn 5 năm trước (2010-2016).
Bà Pinăng Thị Nga - người dân tộc Raglay ở thôn Châu Đắc, xã miền núi Phước Đại vay vốn từ chương trình tín dụng hộ nghèo 25 triệu đồng cho biết, hằng tháng vào ngày 22 là bà có mặt tại điểm giao dịch xã để trả nợ theo phân kỳ. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, đến nay gia đình bà đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả.
Chủ tịch UBND xã Phước Đại Chamaléa Ong - thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái cho biết: “Nhiều năm qua Ngân hàng CSXH huyện bố trí tổ giao dịch về trực tiếp tại xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi cho bà con hết sức thuận lợi. Qua đó đã giúp hộ nghèo kịp thời vay vốn, giúp địa phương thường xuyên nắm bắt được tâm tư của hộ nghèo, giám sát được việc vay vốn, từ đó đã có sự nhắc nhở bà con trong việc sử dụng đồng vốn chính sách có hiệu quả hơn…”.
Vừa qua ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc cùng các thành viên trong Đoàn công tác của Ngân hàng CSXH đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra tình hình triển khai tín dụng chính sách xã hội và hoạt động điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện Bác Ái.
Ông Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng, vượt khó khăn của Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Những nỗ lực đó đã góp phần thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Ông Thắng cũng động viên bà con vay vốn sử dụng hiệu quả, đúng mục đích để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.
Theo Trần Giáp (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn