Nhà máy Đường An Khê bước vào niên vụ ép 2019 – 2020. |
Thời điểm thực thi cam kết Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mía đường đã cận kề, đồng nghĩa ngành mía đường của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn về cạnh tranh với đường của các nước trong khu vực, nhất là với Thái Lan.
Trong thời gian gần đây, do cây mía cho hiệu quả thấp, nên nông dân không còn chăm chút đầu tư như trước đây. Do đó, năng suất và sản lượng mía trong vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê bị tuột thảm hại.
Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, năng suất mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy giảm từ 70 tấn/ha bình quân xuống còn 50 tấn/ha, sản lượng mía giảm từ trên 2,4 triệu tấn giảm xuống còn khoảng 80.000 tấn mía toàn vùng. Chất lượng mía nguyên liệu giảm, kéo theo hàm lượng đường trong mía cũng giảm theo.
Nếu như 3 năm trước đây, hàm lượng đường trong mía đạt 10,5 CCS (chữ đường) thì hiện chỉ còn bình quân 9 CCS. Theo đó, thu nhập từ SX mía của nông dân cũng giảm thấp nghiêm trọng, từ mức lợi nhuận 20 – 30 triệu đồng/ha giờ chỉ còn 5 – 10 triệu đồng/ha, thậm chí có nhiều diện tích mía thu chẳng đủ bù chi.
Thảm cảnh trên còn “lây” sang Nhà máy Đường An Khê. Bởi, hiệu quả thu hồi đường trong thời gian qua cũng giảm mạnh. Nếu như cách đây 2 năm để thu được 1 tấn đường chỉ cần 8 – 9 tấn mía, nhưng trong 2 năm gần đây mức thu hồi đường giảm hẳn, để có 1 tấn đường phải cần đến 10 tấn mía.
Sự thể này khiến giá thành SX đường tăng cao, làm giảm năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, sản lượng đường hàng năm cũng giảm theo. Theo dự kiến của Nhà máy Đường An Khê, sản lượng đường trong vụ ép 2019 – 2020 này sẽ chỉ còn 75.000 tấn, trong khi đó, vào những năm trước sản lượng đường đạt đến 200.000 tấn/vụ ép.
“Hiện nay, năng suất và sản lượng mía trên thế giới cũng như trong nước đều giảm mạnh. Trong thời gian đến nhu cầu tiêu thụ đường sẽ lớn hơn nguồn cung, đặc biệt là thị trường đường trong nước. Trong khi đó, theo hiệp định thương mại tự do ATIGA có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đường nhập khẩu sẽ có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và chịu thuế tiêu thụ 5% như đường SX trong nước.
Đường nhập lậu và gian lận thương mại sẽ được hạn chế tối đa, tạo sự cạnh tranh công bằng về giá đường. Trong những năm đến, giá mía đường trong nước sẽ ở mức ổn định. Tuy nhiên, giá đường trong nước sẽ phải chịu chi phối của giá đường các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan”, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, nhận định.
Trước bối cảnh trên, cũng theo ông Trần Quang Kiên, để ổn định sản xuất cho nhà máy và người trồng mía, trong thời gian tới Nhà máy Đường An Khê sẽ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để làm giảm giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Niên vụ ép 2019 – 2020 Nhà máy Đường An Khê thu mua mía tại nhà máy với giá 940.000đ/tấn. |
Để đảm bảo hiệu quả SX, tạo điều kiện thuận lợi cho người SX và kinh doanh mía yên tâm đầu tư phát triển và chủ động công lao động thu hoạch mía, trong đầu niên vụ ép 2019 – 2020, Nhà máy Đường An Khê sẽ thu mua mía với giá bình quân 940.000đ/tấn mía thuần 10 chữ đường tại nhà máy. Trong đó, giá mía tại ruộng là 800.000đ/tấn, chi phí vận chuyển bình quân 140.000đ/tấn. Gía cước vận chuyển được tính theo cự ly bến bãi, từng vùng hoặc từng khu vực. |
Trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê sẽ không đụng đâu trồng đó, mà đất trồng mía sẽ được lựa chọn kỹ càng. Đất trồng mía phải ở vùng phù hợp cho việc đầu tư SX tập trung, đảm bảo năng suất mía đạt từ 70 tấn/ha trở lên.
Những vùng đất không phù hợp với SX mía, cho năng suất kém, nhà máy khuyến cáo nông dân chuyển sang cây trồng khác. Nhà máy sẽ quy hoạch đồng ruộng, tập trung đầu tư chiều sâu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch để giảm chi phí SX, đồng nghĩa giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhà máy sẽ hướng dẫn nông dân loại bỏ ngay các giống mía đã thoái hóa như K88-92, K95-84 và tập trung trồng các giống mía có năng suất, chất lượng cao, phù hợp cho việc áp dụng cơ giới hóa, thu hoạch bằng máy và SX công nghiệp như LK92-11, KK3, Uthong 11…
Để hỗ trợ cho người trồng mía, nhà máy tiếp tục áp dụng chính sách đầu tư từ khâu cày, trồng, chăm sóc, thu hoạch bằng cơ giới và hỗ trợ giống mía mới. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ không thu hồi để giảm từ 10- 15% chi phí thực hiện các khâu cơ giới trên diện tích mía áp dụng chủ trương cơ giới hóa của nhà máy. Hỗ trợ từ 20 – 25% chi phí các khâu cơ giới cày, trồng đối với diện tích trồng mới tập trung theo cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Đối với các giống mới KK3, Uthong 11, nhà máy sẽ thu mua của dân với giá 850.000đ/tấn, đầu tư lại cho người trồng ghi nợ 750.000đ/tấn; hỗ trợ 100.000đ/tấn đối với diện tích thực hiện chủ trương cơ giới hóa của nhà máy”, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn