Có nhiều nét mới
Sau một năm phát động, Ban tổ chức Giải báo chí Tự hào nông dân Việt Nam 2018 – 2019 đã nhận được 938 tác phẩm gửi đến dự thi theo hai con đường: gửi bài trực tiếp đến Ban tổ chức cuộc thi và lựa chọn những tác phẩm đã đăng trên các cơ quan báo chí gửi đến Ban tổ chức hoặc Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.
So với các năm trước, Giải báo chí Tự hào nông dân Việt Nam 2018 - 2019 vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà báo, bạn đọc, bạn viết công tác ở các lĩnh vực trên mọi miền Tổ quốc tham gia. Ngoài những bài viết đặc sắc, chất lượng của các nhà báo chuyên nghiệp, đặc biệt là những bài dự thi của nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo, giảng viên đại học…
Ông Lưu Quang Định - TBT Báo NTNN, Phó Trưởng ban Tổ chức giải báo chí THNDVN 2019 phát biểu tại buổi chấm chung khảo. Ảnh: Trần Quang
Phát biểu khai mạc buổi chấm Chung khảo, ông Lưu Quang Định, TBT báo NTNN/Dân Việt, Phó Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: Đây là một trong số những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào NDVN mà từ nhiều năm nay, báo NTNN vinh dự được TW Hội Nông dân Việt Nam trao trọng trách tổ chức.
Và điều đặc biệt là sau khi nâng cấp lên thành Giải báo chí Quốc gia thì giải không chỉ nằm trong khuôn khổ của báo NTNN nữa mà vươn xa hơn, nhận được sự quan tâm của đông đảo giới báo chí cả nước. Tôi tin tưởng rằng với uy tín cuộc thi, với những điều mới mẻ về đời sống nông dân nông nghiệp trong cả nước, cùng sự công tâm của Ban giám khảo, Giải báo chí năm nay cũng sẽ thành công rực rỡ”.
Bên cạnh những gương nông dân điển hình, chủ doanh nghiệp là nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường… nét mới của Giải báo chí Tự hào nông dân Việt Nam 2018 - 2019 là nhiều bài viết có tính phát hiện cao, giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả mà ở đó vai trò của mối liên kết giữa các nhà được thể hiện rõ như tác phẩm: Hồi sinh những cánh đồng chết (Bảo Hân – Trần Thường); HTX đất thép chơi lớn, xây nhà máy tiền tỷ (Thanh Nguyễn)…
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN, Trưởng ban Tổ chức công bố kết quả cuối cùng. Ảnh: Trần Quang
Các bài viết cũng tập trung đi sâu vào hành trình lập nghiệp gian nan nhưng cũng rất thú vị của các nông dân thế hệ mới, không chỉ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, họ còn ứng dụng công nghệ để mang nông sản của mình bán trên “chợ ảo” như tác phẩm: Ông Năm Hiền trồng xoài bán cho… nguyên thủ (Lê Nguyễn), Những nhà nông đổi vận nhờ công nghệ (Chiến Thành)…
Đặc biệt, giải báo chí năm nay xuất hiện các chân dung doanh nghiệp, doanh nhân nông dân hết lòng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đi lên từ cây lúa, củ khoai nhưng góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất của nhiều địa phương: 3 hạt lạc, 11 khóm lúa, chuyện đời của CEO Trần Mạnh Báo (Tố Loan – Nguyễn Luyên), Người phụ nữ nặng lòng với hạt gạo Việt (Nguyễn Kiểm)…
Một nét mới nữa là, vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được phản ánh khá phong phú qua nhiều tác phẩm, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề cấp bách này đã được cải thiện rõ rệt. Có một bản vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng quyết nói không với túi nylon, nỗ lực làm du lịch sinh thái; có những nông dân nỗ lực trồng rừng (Bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây – Hà Thanh, Nam Trần; A Sáy vá rừng pơmu, Thuận Thành hay Trồng rừng đổi vàng, Xuân Tuấn).
Nét mới nữa là nhiều bài thi tham gia giải năm nay được thể hiện theo cách mới như Longform, Mega Story, Emagazine có kết hợp các video vô cùng sinh động, hấp dẫn… Đây là phong cách báo chí hiện đại, cách trình bày có điểm nhấn, ấn tượng, tạo sự hấp dẫn ngay từ đầu với người xem. Văn phong của các tác giả vừa có sự sắc sảo, gãy gọn của một nhà báo, vừa thể hiện chất thơ, cảm xúc của mỗi tác giả dành cho nhân vật.
Vừa tôn vinh nông dân, vừa tôn vinh tác giả
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh: Từ sáng kiến của Báo NTNN, giải báo chí của chúng ta đã phát triển thành giải uy tín, được giới báo chí trong cả nước đặc biệt quan tâm. Mỗi cuộc trao giải đều trở thành sự kiện rất vui của làng báo, điều đó đã chứng tỏ sức lan tỏa của Giải báo chí Tự hào NDVN.
Hội đồng của chúng ta làm việc rất nghiêm túc, đặc biệt rất lắng nghe ý kiến các thành viên trong hội đồng. Và điểm không phải là yếu tố quyết định duy nhất mà còn nhiều yếu tố phải cân nhắc. Tuy nhiên, chúng ta có sự thống nhất dựa trên tinh thần: vừa tôn vinh nông dân, vừa tôn vinh tác giả báo chí. Đây chính là mục đích cao cả, tốt đẹp nhất của giải báo chí dành cho nông dân.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi. Ảnh: Trần Quang
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Giám khảo cho hay: Dù đã tham gia chấm giải nhiều năm nhưng lần nào đọc tôi cũng thấy ngạc nhiên và thú vị, lôi cuốn từ đầu đến cuối. Và Ban Giám khảo đã “gặp nhau” về tư tưởng, cách đánh giá bởi chấm riêng lẻ nhưng điểm rất sát nhau, không chênh lệch là bao.
Sau khi cân nhắc, chọn lựa khách quan, kỹ càng, Ban Giám khảo đã quyết định trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xứng đáng nhất. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/10/2019.
Ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên TBT Tạp chí NTM, thành viên Ban Giám khảo:
Ở cuộc thi năm nay, tôi đánh giá cao những bài viết có 2 phát hiện: đó là thể hiện được chuỗi giá trị về sản phẩm, thứ 2 đó là vấn đề mới mà kể cả 1 số chuyên gia, kỹ sư chưa phát hiện được, đó là: cách thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nghĩa là những cái phế thừa thải trong sản xuất nông nghiệp lại quay lại phục vụ cho nông nghiệp. Nếu chúng ta khơi gợi được vấn đề này thì chắc chắn nó sẽ là điều vô cùng quý giá bởi thể hiện được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế là các bài mới thấy điểm dừng của sự kiện, còn những lát cắt về mặt xã hội, những lát cắt riêng, độc, lạ chưa rõ. Tính định hướng thực tiễn trong các bài báo cũng chưa rõ. Bản thân bạn đọc khi đọc có thể thì thấy hay nhưng phải làm theo như nào thì chưa thấy.
Ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN, thành viên Ban Giám khảo:
Vì cuộc thi viết về gương nông dân, thì tiêu chí đầu tiên phải là gương, phải có quá trình, có câu chuyện… Về cơ bản các tác phẩm đều đáp ứng được yêu cầu này. Một số tác phẩm có chất phóng sự rất rõ ràng, cách hành văn khác biệt, mang cá tính riêng của người viết.
Tuy nhiên, nhìn chung thủ pháp văn học không được đưa vào đây nhiều, không có câu chuyện như đoạn phim quay lại, không có lát cắt. Và chính sự bó hẹp trong khuôn khổ báo in đã làm mất đi sự phóng khoáng trong cách viết của các tác giả. Tôi cho rằng chính điều này khiến một số tác phẩm đề tài rất hay, nhân vật rất đẹp nhưng tiếc là chưa thể có giải hoặc giải không cao.
Nhà văn Văn Chinh, thành viên Ban Giám khảo:
Tôi cũng thấy Hội đồng Giám khảo tương đối thống nhất khi cho điểm các bài khá tương đồng với nhau. Đối với tôi, một bài báo hay ngoài cách viết hấp dẫn, lôi cuốn thì nhân vật phải có nét riêng. Hành trình làm giàu phải thể hiện được những rõ những khó khăn vất vả, và đặc biệt phải có trải nghiệm của người viết, thấy rõ được công sức, mồ hôi của tác giả trong tác phẩm.
Đặc biệt, tôi đề cao tính chân thật của thông tin, đó là yếu tố để làm nên uy tín của mỗi cuộc thi.
Danh sách các tác phẩm đạt Giải báo chí toàn quốc Tự hào NDVN 2018-2019:
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn