Tình quê thật quý nhưng cũng có khi sự quan tâm, trọng vọng của bản làng lại tạo nên sức ép không nhỏ cho những đứa con đi xa trở về. Trường hợp của tôi là như vậy...
Ảnh minh họa
Dịp hè vừa rồi, tôi đưa vợ con về quê chơi. Chẳng biết nghe tin từ đâu mà bà con trong bản kháo nhau: Nhà ông Tiệm có anh con trai cả đã thành tiến sĩ rồi đấy... Biết cả nhà tôi về quê bằng xe khách, rồi lại từ trung tâm xã về bản trên mấy chiếc xe ôm, bố tôi hỏi: “Thế chiếc xe ô tô lần trước con về đâu mà lại về bằng xe này?”. “Xe con về lần trước là xe của anh bạn, nhờ mãi anh ấy không tiện” - tôi trả lời. Bố tôi giọng ngậm ngùi: “Thôi con ạ! Lần sau cứ thuê xe ngoài hoặc gọi taxi mà đi. Bố cho tiền. Ai lại chuẩn bị thành tiến sĩ rồi mà vẫn đi xe khách, xe ôm…”. Nghe vậy, lúc đó vợ tôi bảo chắc ông cụ đùa thôi chứ gia đình làm nông nghiệp, mới có chút của ăn của để, ai đời lại cho con tiền đi taxi về nhà tạo dáng “cho oai” bao giờ?
Trong những câu chuyện rôm rả, nhắc tới việc học hành, mọi người thường nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ và không ngớt lời chúc mừng “ông tiến sĩ”. Tự dưng, tôi thấy trong lòng dâng lên một cái cảm giác vừa ngài ngại, vừa sung sướng. Quả thực, tôi học đại học xong, ở lại Hà Nội lập nghiệp và nay đang theo học hệ đào tạo tiến sĩ. Nhưng, chưa bảo vệ luận án mà đã được cả bản “trân trọng” gọi là “ông tiến sĩ”, tôi chẳng biết phải giải thích với bà con thế nào...
Trên chuyến xe khách trở về thành phố, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái chân lý: “Ở những vùng đất nghèo khó, con người ta thường vươn lên bằng con đường học tập để thoát khỏi cuộc sống cực khổ”, nguyên lý ấy vẫn còn đúng tới tận bây giờ. Đằng sau những nếp nghĩ thủ cựu về cái sự “oai” của việc học hành thành đạt là cả một niềm tự hào của dòng họ, của bà con làng bản và xa hơn nữa là sự thôi thúc người xa quê “làm lấy một cái gì đó đáng kể cho cả bản, cả họ được nhờ”. Ngày mai, về Hà Nội, tôi sẽ hoàn thành nốt phần kết luận của luận án…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn