Nhu cầu cuối năm lên đến 600.000 tấn
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, sản lượng thịt lợn tính đến tháng 11/2019 đã giảm 380.000 tấn, tương đương 9-10% so với năm 2018.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 50% so với trước khi xuất hiện dịch tả (tháng 4/2019). Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao.
Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm tình trạng găm hàng thịt lợn. Ảnh: I.T
Hiện, có 24 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu. |
Theo Bộ Công Thương, như thường lệ tiêu dùng thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020. Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.
Bên cạnh các giải pháp bình ổn thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96.000 tấn, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Mỹ, tiếp theo là thị trường Hà Lan.
Ngăn lũng đoạn, găm hàng
Trước phản ánh của một số nhà phân phối, siêu thị về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng) Bộ Công Thương cho biết, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra, xử phạt hành chính hoặc kiến nghị xử lý hình sự.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Theo báo cáo mới nhất (ngày 16/12/2019) của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh và từ các Cục Quản lý thị trường, hiện tại không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, do phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt nên thời gian qua, lực lượng hải quan và biên phòng chưa bắt giữ và xử lý vụ việc nào. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng thông tin, trong 2 tháng đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy 4.430kg chân giò lợn và 1.446kg thịt lợn. Tại địa bàn không có việc xuất lậu các xe lợn sang Trung Quốc vì cơ quan chức năng hai bên kiểm soát chặt.
Tại Lạng Sơn, trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2019, các lực lượng công an và quản lý thị trường đã thu giữ 35 tấn chân giò lợn vận chuyển lên Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc.
Lực lượng Quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới vẫn đang phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 của tỉnh để ngăn ngừa và kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn trái phép.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/khong-co-tinh-trang-nhap-lau-lon-sang-trung-quoc-1042481.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn