Để đạt được điều đó, nhiều địa phương đã triển khai rất tốt hoạt động kiểm soát, thanh tra, xác nhận tàu cá và các sản phẩm thủy sản tại cảng.
Nỗ lực thực hiện khuyến nghị
Trước thời điểm đoàn công tác của EC sang Việt Nam kiểm tra hoạt động khai thác IUU, các địa phương đã nỗ lực triển khai các khuyến nghị của EC. Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, tỉnh này ưu tiên cho việc xử lý tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc quản lý tàu cá xuất nhập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ theo khuyến nghị của EC. Ảnh: T.L
Đoàn thanh tra EC ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. |
Theo đó, Sở đã xây dựng quy trình kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng và giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng theo đúng quy định tại Thông tư 21 của Bộ NNPTNT; phân công nhiệm vụ cho Chi cục Thủy sản kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng và giao trách nhiệm Ban quản lý các cảng cá tỉnh giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi…
Trong 8 tháng đầu năm 2019, các tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn đã kiểm tra 11.466 lượt tàu cá ra vào cảng; cấp 191 giấy xác nhận 6.290 tấn thủy sản.
Tại Kiên Giang, hàng tháng Ban quản lý cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đều lập danh sách và tổng hợp danh sách tàu cá đã nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải và báo cáo khai thác thủy sản để nộp về Chi cục Thủy sản theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tất cả các tàu thuyền trước khi vào cập cảng bắt buộc đều phải thông báo cho Ban quản lý cảng cá trước một giờ để nắm thông tin, kiểm soát sản lượng, chủng loại.
Khi nhận được thông tin, ca trực đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang web của Tổng cục Thủy sản. Nếu tàu nằm trong danh sách khai thác bất hợp pháp cảng cá sẽ không cho bốc dỡ hàng hóa, đồng thời thông báo cho tổ kiểm tra kiểm soát tại cảng xử lý theo quy định. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra kiểm soát đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, số tiền xử phạt gần 1,114 tỷ đồng.
Tại tỉnh Cà Mau, công tác truy xuất nguồn gốc từ khai thác luôn được kiểm tra chặt chẽ, hiện tỉnh có 2 cảng cá Sông Đốc và Rạch Gốc được Bộ NNPTNT công nhận loại II đủ điều kiện bốc dỡ thủy sản tại cảng và kiểm soát tàu cá ra vào cảng theo quy định. Theo thống kê, Cà Mau có đội tàu khai thác thủy sản trên 4.925 chiếc, trong đó 1.661 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, có khả năng khai thác dài ngày trên biển, sản lượng khai thác hàng năm trên 200.000 tấn.
Để giám sát đội tàu này, ngành chức năng đã bố trí cán bộ mở sổ theo dõi khi tàu cá ra vào cảng thực hiện ghi chép, cập nhật sản lượng, chủng loại thuỷ sản. Qua đó, những tháng đầu năm 2019 đã thu được 917 nhật ký, trong đó có 830 nhật ký khai thác, 87 nhật ký thu mua và chuyển tải.
Ghi nhận cố gắng của Việt Nam
Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), sau đợt kiểm tra, EC đặc biệt ghi nhận nỗ lực của của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quốc tế bao gồm sửa Luật Thủy sản, ban hành 2 nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành luật; gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc.
“EC ghi nhận chúng ta đã bước đầu tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế; đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra. Ghi nhận thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. EC cũng ghi nhận chúng ta đã nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác thông qua việc đóng băng đội tàu khai thác xa bờ và Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển” - ông Luân nói.
Tuy nhiên, theo công thư của EC, việc triển khai các khuyến nghị chống khai thác IUU của Việt Nam còn hạn chế như thời hạn về đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên rất khó khả thi; mẫu chứng thư khai thác còn thiếu một số thông tin so với quy định tại của châu Âu; chưa yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của các lô hàng nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp khi xuất sang thị trường châu Âu. Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện còn nhiều lỗi kỹ thuật; tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.
Từ thực tế đó, EC cho biết, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC sẽ không rút “thẻ vàng”. Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác khai thác IUU trong 6 tháng tới.
Một số khuyến nghị của EC Để chấm dứt hoạt động khai thác IUU, EC khuyến nghị Việt Nam cần triển khai tất cả các cơ chế cần thiết để đảm bảo triển khai khung pháp lý mới một cách hiệu quả; tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện khung pháp lý, đặc biệt là công tác thực thi pháp luật trong thực tế. P.V |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn