Kỳ tích trên đất phèn
Năm 1992, tỉnh Kiên Giang có chủ trương bảo vệ, khôi phục rừng tràm nguyên sinh và hình thành vùng đệm U Minh Thượng với quy mô gần hơn 14.000ha thuộc 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận (huyện U Minh Thượng). Gần 3.500 hộ được Nhà nước cấp đất, cho vay tiền làm vốn sản xuất.
Thời điểm đó, người dân bắt tay vào khai thác đất đai trong điều kiện vô cùng khó khăn, đất gần như chỉ có lau sậy, chỉ làm được 1 vụ lúa vừa đủ gạo ăn vì đất nhiễm phèn nặng. Năm 1994, ông Lý Văn Tình (73 tuổi) về ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc. “Lúa làm được vài giạ (20kg) trên một công đất. Đất phèn dữ lắm, có lúc khổ quá chẳng có gạo ăn phải kiếm cá đổi gạo ăn từng bữa” - ông Tình nhớ lại.
Người dân xã xã An Minh Bắc thu hoạch chuối. Ảnh: NQ.
Để tìm hướng ra, nhiều người quyết định tìm đến cây chuối, loại cây có thể chịu được đất phèn. Không ngờ cây chuối lại mở ra một hướng đi cho người dân nơi đây.
Chuối được thời, đó là những năm 2011-2015. Với 2 bờ chuối xiêm, mỗi cử thu hoạch cách nhau chỉ 2 tuần vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nam (59 tuổi) ngụ ấp Kinh 5, thu được 2.700 nải chuối, bán với giá 5.000 đồng/nải, thu về 15 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán lá chuối, bắp chuối, cá đồng dưới mương dọc theo liếp chuối cũng thêm vài chục triệu đồng. Ông Nam cất được căn nhà khang trang trị giá gần 300 triệu đồng cũng từ tiền sau nhiều năm gắn bó cùng cây chuối.
Ông Nam chia sẻ: “Trồng chuối sống khỏe lắm, giá chuối từ 2.500 đồng/kg cũng cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/ha/năm. Con cái học hành, mua sắm xe cộ cũng nhờ chuối”.
Nhiều hộ ở vùng phèn U Minh Thượng đã vươn lên khá giàu nhờ cây chuối. Ảnh: NQ.
Bà Đỗ Thị Tua (67 tuổi, ngụ ấp An Hòa) vừa thu hoạch chuối trong vườn, kể: “Hồi mới được cấp đất, làm lúa vụ đầu tiên còn có gạo ăn, vụ kế thất trắng vì phèn tấn lên. Khó khăn quá nhiều hộ nản bỏ đi, vợ chồng tôi động viên nhau quyết tâm bám trụ. Quả nhiên đất không phụ người”.
Sau 25 năm về với vùng đất mới, hiện vợ chồng bà Tua thu về hơn 100 triệu đồng/năm từ 2ha chuối.
Đa canh trên một diện tích
Trồng chuối trên vùng đất phèn giúp nhiều hộ khá lên. Cũng từ đó, diện tích ngày một tăng lên, năm 2008, toàn vùng đệm U Minh Thượng có 268ha chuối, đến năm 2016, diện tích này tăng lên 1.561ha.
Theo ông Phạm Duy Tân – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện U Minh Thượng, chuối là loại dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đệm U Minh Thượng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư không đáng kể nên cho thu nhập khá. Với diện tích hơn 1.400ha, huyện cung ứng cho thị trường gần 50.000 tấn chuối mỗi năm. Tuy nhiên, do không có nhà máy chế biến, toàn bộ chuối bán chủ yếu cho thương lái và giá cũng trồi sụt làm người trồng chuối đứng ngồi không yên.
Các mô hình kết hợp với cây chuối trên cùng một diện tích ngày càng khiến nông dân từng gắn bó với cây chuối yên tâm sản xuất. Ảnh: NQ.
Để gỡ khó cho bài toán giá chuối bấp bênh, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chuyển đổi từ mô hình độc canh cây chuối sang các mô hình kết hợp phù hợp từng vùng quy hoạch, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích.
Giá chuối xiêm sau thời gian rớt giá, hiện giá chuối đã quay trở lại mốc 5-6 ngàn đồng/nải. Bà con tiếp tục cải tạo, chăm sóc, trồng mới vườn chuối sau thời gian dài thất thu.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân tìm cách kết hợp chuối với một số cây trồng khác như chuối – rau màu, chuối – cây ăn trái hay trên liếp chuối, dưới ao cá, tôm. Lại có nông dân thử nghiệm trồng song song chuối xiêm với chuối Nam Mỹ.
7 năm trước, gia đình anh Lê Hoàng Lâm (44 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) được hỗ trợ 2.000 cây chuối già Nam Mỹ. Cây phát triển tốt, năng suất cao, vụ đầu gia đình anh Lâm thu về 90 triệu đồng bởi giá chuối già Nam Mỹ thời điểm đó 8.000 đồng/nải.
Hợp tác xã cây ăn trái K21 thu hoạch xoài chính vụ. Ảnh: NQ.
Giá chuối Nam Mỹ luôn ổn định, gia đình anh Lâm tiếp tục đầu tư giống chuối này lên diện tích 1,5ha và vẫn giữ 1ha chuối xiêm. Anh Lâm cho biết: “Giá chuối già Nam Mỹ luôn ổn định từ 7.000-8.000 ngàn đồng/kg, không bấp bênh như chuối xiêm. Mỗi đợt thu hoạch được 4-5 ngàn buồng chuối, mỗi buồng từ 8-10 nải, tôi thu về hơn 200 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ 8 triệu đồng”.
Theo anh Lâm, so với chuối già hương của Việt Nam, chuối già Nam Mỹ không khác mấy, nhưng ưu điểm là cây sạch bệnh, ít đổ ngã và kháng bệnh tốt. Đặc biệt, khi vận chuyển chuối Nam Mỹ không bị thâm vỏ và dễ rụng cùi như chuối già hương. Anh Lâm và một sô nông dân khác dự định tiếp tục mở rộng để hướng đến liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.
Qua chiếc cầu bê tông bắc qua kinh, chúng tôi rẻ vào ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc đúng lúc bà con Hợp tác xã cây ăn trái K21 đang thu hoạch xoài chính vụ. Hợp tác xã có 30ha xoài, bưởi được trồng xen trên liếp chuối, trong đó có khoảng 20ha đã cho trái.
Ông Trần Văn Lợi (82 tuổi), một trong những nông dân khởi phát cho phong trào đa dạng hóa cây trồng ở nơi tưởng chỉ có chuối mới trụ được, chia sẻ: “Nhà 10 đứa con nên gia đình tôi được Nhà nước cấp 6ha đất. Tôi trồng chuối 1ha, còn lại trồng xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, thu nhập không dưới vài trăm triệu đồng/năm”. Hai năm nay, ông Lợi còn nuôi thêm ốc bươu và thu gần 60 triệu đồng.
Các xã viên còn biết tận dụng chuối tại địa phương để làm các sản phẩm khác, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NQ.
Cùng ấp Kinh 5, ông Lê Hoàng Nam – Phó Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái K21 có 20 gốc bưởi đã cho trái 5 năm nay. Bưởi cho trái ngọt lịm, lại được sản xuất theo hướng an toàn nên bưởi của ông Nam trồng luôn không đủ bán. Vụ tết vừa rồi, ông Bảy Nam bán bưởi tết được hơn 33 triệu đồng.
Thấy bưởi phù hợp với vùng đất Kinh 5, từ năm 2016, ông Nam mở rộng quy mô vườn bưởi lên 500 gốc. Dự kiến giữa năm nay, những gốc bưởi này sẽ bắt đầu cho trái rộ. Ngoài bưởi, ông Nam còn trồng xoài Đài Loan, nuôi cá đồng và 2 bờ chuối cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng, tổng lợi nhuận gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc, huyện sắp mở rộng đường cho ấp Kinh 5 ra 3,5m, đồng thời tráng nhựa để kết nối ấp với khu du lịch sinh Vườn quốc gia U Minh Thượng, Khu Di tích lịch sử an ninh khu IX. Xã cũng khuyến khích người dân khai thác tiềm năng sẵn có để đa dạng sản phẩm từ chuối như rượu chuối, chuối khô, chuối ngào đường, dưa chuối… để phục vụ du khách.
Kiên Giang hiện có hơn 1.500ha đất trồng chuối, trong đó, gần hơn 90% diện tích nằm ở huyện U Minh Thượng chủ yếu ở 2 xã An Minh Bắc, Minh Thuận. Dù gặp không ít khó khăn khi giá chuối sụt giảm, đầu ra chưa ổn định, nhưng với sự tìm tòi, những người nông dân gắn bó với vùng đất cách mạng U Minh đã tìm ra hướng đi hiệu quả cho riêng mình. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn