Ông Hoàng Văn Nhã, ngụ huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) cho biết, gia đình đang cắt tỉa vườn cam sành rộng hơn 2h nên khi có người cần mua cam non, ông Nhã thu gom trái lại để phơi và bán cho lái.
Tuy nhiên, từ ngày mới “khởi nghiệp” theo cha ông làm vườn đến nay, ông Nhã chưa từng bán cam non bao giờ. Do đó, việc có người lùng mua cũng khiến ông nghi ngờ, nhất là trong tình hình nhiều thương lái về tận vườn, tìm mua các loại nông sản “không giống ai” như cau non, rễ tiêu, thậm chí mua đỉa…
Theo ông Nhã, một số vườn trồng cam thường ưu tiên vụ nghịch nên khi tới vụ thuận, chủ vườn cắt tỉa, bỏ bớt trái non để dưỡng cây. Hoặc cũng có vườn cắt tỉa bỏ phần lớn trái non để cam đạt kích cỡ to hơn, trái bóng đẹp hơn… Số trái non này bà con cũng chỉ vứt bỏ hoặc vùi làm phân bón lại cho vườn.
Cam, bưởi non được thu gom rồi xắt mỏng, phơi khô để bán cho thương lái.
Tuy vậy, theo ông Nhã, vườn nhỏ thì số lượng trái non không nhiều, nhất là khi thương lái mua theo kg mà phải phơi khô, xắt mỏng… thì công chế biến lớn lắm, khoản thu về từ bán trái non cũng không bao nhiêu.
Ông Phan Văn Lượng, phụ trách thu mua công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Nam An, địa chỉ tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp này có nhu cầu thu mua cam, quýt non, bưởi non… với số lượng “cực kỳ lớn”.
Yêu cầu là cam, quýt, bưởi nhỏ phải “rụng sinh lý, hoặc tuyển bỏ”, trái có thể bị vàng, đen nhưng không bị thối quả. Đối với cam sành, cam xoàn hay cam mật các loại, doanh nghiệp này thu mua trái có đường kính 2,5cm trở xuống, quả to bằng đầu ngón tay cái hoặc đồng xu. Đối với cam có cỡ lớn hơn, doanh nghiệp chỉ mua với giá 2.000 đồng/kg.
Còn đối với quýt đường quýt hồng, đường kính trái phải từ 2,5cm trở xuống, được mua quanh năm nhưng đối với trái lớn hơn, doanh nghiệp từ chối không mua. Còn bưởi non thì phải đạt đường kính 3,5 cm trở xuống, tùy đợt doanh nghiệp có thể mua trái lớn hơn nhưng giá thấp.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc lặt bỏ bớt trái non, trái không đạt tiêu chuẩn... là điều cần thiết
Ông Lượng giải thích, lượng cam bưởi non này sẽ được xắt mỏng, sấy khô và xuất khẩu sang Ấn Độ cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu chế biến tân dược. Nông dân có thể thu gom hàng để bán mà không cần quan tâm tới việc trái có dư lượng thuốc BVTV hay không.
Về giá mua, ông Lượng cho giá 6.000 – 8.000 đồng/kg đối với trái tươi và 25.000 – 30.000 đồng/kg đối với trái đã phơi khô. Nông dân có thể bán trực tiếp hoặc trở thành đại lý thu gom với số lượng lớn.
Chuyện thương lái tìm mua cam, bưởi non không hẳn là chuyện mới. Cách đây 3 năm, nhiều người cũng về các vùng trồng cây có múi ở ĐBSCL sẽ tìm mua trái non. Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ vựa cam ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết, mấy năm trước chị cũng từng thu gom cam sành non của các nhà vườn để bán lại cho thương lái.
Mỗi ngày, chị mua được khoảng vài trăm kg với giá 700-1.000 đồng/kg. Thương lái đến đặt mua mỗi ngày từ 200 – 300kg, tuy nhiên, khi được hỏi việc thương lái mua hàng để làm gì, đem về đâu… thì chị Thanh cũng không rõ.
Một chuyên gia nông nghiệp công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho biết, việc tỉa cành, cắt bỏ bớt trái non… là một yêu cầu kỹ thuật đối với các nhà vườn trồng cây có múi. Thông qua việc tuyển chọn này, giúp chủ vườn chỉ giữ lại những trái đạt tiêu chuẩn, đồng thời, dưỡng cây tốt hơn cho vụ sau.
... tuy nhiên, không nên ào ạt cắt trái non để bán cho thương lái khi chưa biết rõ về người mua hàng.
Tuy nhiên, việc thu gom trái non để bán cho thương lái cũng khó có thể mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn vì công thu gom, phơi trái… rất lớn. Chưa kể, nếu nhà vườn ào ạt hái trái non để bán, chạy theo lợi nhuận trước mắt sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng trái sau này.
“Đó là chưa kể, việc mua bán những nông sản theo kiểu độc, lạ này phải đảm bảo chắc chắn về khâu thanh toán, các chủ vựa cũng không nên ào ạt thu gom trái non khi chưa biết được khách mua hàng có đáng tin tưởng hay không, tránh trường hợp thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua lên cao rồi… xù như đã xảy ra nhiều lần trước đây”, vị này khuyến cáo.
Theo Khải Huyền (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn