Thời điểm chớm đông này, măng là một trong những lâm sản phụ được các đồng bào vùng cao Nghệ An thu hái về bán kiếm thêm thu nhập, cũng là để chế biến làm các món ăn hàng ngày, trong đó có món canh được chế biến từ măng tươi, người Thái gọi là “cánh phá phả” (canh sét đánh).
Nấu canh "sét đánh" phải dùng măng tươi, măng càng tươi canh càng ngọt. Ảnh: Lữ Phú
Tuy nhiên không phải loại măng nào cũng có thể nấu được món canh này. Loại măng thường được người dân chọn để nấu là măng luồng, măng nứa, hay măng tre, càng loại măng có vị hăng nhẹ hơn thì món canh càng ngọt và ngon hơn.
Khi những búp măng non được những người phụ nữ Thái hái từ trong rừng, hay sau vườn nhà về, măng được lột vỏ và rửa sạch, người dân sẽ thái lát, lát măng càng nhỏ, măng càng nhanh hết vị hăng, canh cũng sẽ nhanh chín hơn, vì vậy người dân thường chọn phần ngọn non nhất của búp măng để nấu món canh.
Gia vị chính của nồi canh măng "sét đánh" là ớt cay, muối trắng, mì chính, mặc khẻn và đạch cá, nếu không có đạch cá thì có thể dùng ruốc (mắm cá, mắm tôm) thay thế. Ảnh: Lữ Phú
Thông thường măng sẽ được thái trực tiếp vào nồi, sau đó cho tất cả các gia vị quan trong và nước vào cùng lúc. Gia vị bao gồm ớt cay, mặc khẻn, muối trắng, mì chính, và không thể thiếu gia vị “pá đạch” (phần thịt cá được người Thái muối trong ống nứa, ống giang sau hơn 3 tháng mới đưa ra sử dụng).
Măng thái miếng càng nhỏ nồi canh sẽ càng ngọt nước và chín sớm hơn. Ảnh: Lữ Phú
Sau khi đã cho gia vị đầy đủ, thì đến công đoạn quan trọng nhất tạo nên hương vị của món canh măng “sét đánh” đó là đun lửa. Khi đun canh này, lửa bếp phải cháy bùng liên tục, khi nồi canh đã sôi thì bỏ nắp vung ra khỏi nồi. Từ khi nồi canh bắt đầu sôi, khoảng 15 đến 20 phút thì măng đã hết vị hăng, canh cũng đã chín ngọt là có thể dùng được.
Món canh "sét đánh" thường được dùng trong bữa cơm gia đình và đãi khách. Ảnh: Lữ Phú
Món canh “sét đánh” là món ăn được chế biến nhanh nhất trong các loại món ăn từ măng. Trước đây món ăn canh này được người dân nấu sau một buổi lao động vất vả hay trên nương rẫy khi công việc sản xuất mệt nhọc kết thúc.
Hiện nay, bát canh măng “sét đánh” nóng hổi vẫn thường được người Thái vùng cao ưa chuộng trong các bữa cơm và thành món ngon đãi khách quý đến thăm nhà.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn