Dẫu “cánh đồng” đó có bao phen nổi sóng dữ, thì Trung vẫn quyết tâm bám giữ, bởi hơn hết Hoàng Sa là vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà những ngư dân như anh thề quyết tâm bảo vệ.
Trên “cánh đồng” thiêng!
Tranh thủ giữa tuần trăng, tàu không ra khơi, chúng tôi mới gặp được Nguyễn Đức Trung sau nhiều lần lỡ hẹn. Không như hình dung của tôi về một ngư phủ từng trải, vạm vỡ, “ăn sóng nói gió”, trông Trung khá hiền lành và thư sinh. Nếu như xã Đức Trạch là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình về số tàu cá tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì Nguyễn Đức Trung là gương mặt tiêu biểu nhất của đội tàu này.
Kể với chúng tôi về những chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thời gian qua, Trung không giấu được niềm tự hào: “Mỗi chuyến biển của chúng tôi kéo dài khoảng 21 - 23 ngày. Biển xa lắm tôm, nhiều cá nhưng hiểm nguy cũng nhiều. Ngoài việc đối mặt với sóng to gió lớn của tự nhiên, thời gian qua chúng tôi phải đối mặt với sự gây hấn vô cớ của tàu hải giám và máy bay Trung Quốc…”.
Dù vậy, trong suốt câu chuyện, Trung luôn khẳng định một điều: Mặc dù phía Trung Quốc có gây hấn như thế nào đi nữa thì Trung và đội tàu của anh vẫn không hề sợ, vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa đến cùng. “Hoàng Sa là vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc – là quá khứ, tương lai của chúng tôi và con cháu chúng tôi. Những chuyến hải trình ra biển Hoàng Sa đối với chúng tôi là mệnh lệnh của cuộc sống, là nơi giúp chúng tôi có cuộc sống ấm no và khẳng định chủ quyền của đất nước” – Trung nói.
Hạt nhân của sự đoàn kết
Không chỉ là một ngư dân lão luyện, giỏi đánh bắt, Nguyễn Đức Trung còn giữ vai trò tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển gồm 11 tàu cá với hơn 70 thành viên.
Quan điểm Ngư dân Nguyễn Đức Trung Với ngư dân chúng tôi, vùng biển Hoàng Sa không chỉ là nơi chúng tôi mưu sinh. Ở đó, còn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, để vững tâm mưu sinh trên “cánh đồng” này, chúng tôi phải tăng cường tàu lớn, máy mạnh, kết hợp ra khơi thành tổ, đội với các tàu khác trong vùng để đỡ gặp rủi ro. |
Trung kể, năm 2007, trong hành trình đưa con tàu công suất 90CV cùng 7 thuyền viên của mình vào bờ để tiêu thụ sản phẩm sau một chuyến biển thì một tai nạn bất ngờ đã ập đến. Khi tàu đang tiến vào đất liền, mọi người trên tàu mới phát hiện ra một thuyền viên cũng chính là người cậu ruột của Trung bị rơi xuống biển lúc nào không hay. Lúc phát hiện ra điều này con tàu của Trung đã cách vị trí đánh bắt ban đầu khoảng 3 hải lý. Mọi người hốt hoảng quay trở lại địa điểm ban đầu để tìm kiếm. Sau một ngày nỗ lực cố gắng tìm kiếm nhưng Trung và các bạn tàu vẫn không thể tìm được cậu của anh.
Sau cái chết của người cậu và với những kinh nghiệm thực tế đi biển của mình, Trung nhận ra rằng: Nghề biển là nghề lắm rủi ro. Với cách làm ăn riêng lẻ, "mạnh ai người nấy làm" như hiện tại thì khi thiên tai hay tai nạn bất ngờ ập đến khó mà tự xoay xở được. Trước thực tế đó, một mặt Trung vay vốn đầu tư tàu lớn, mặt khác nung nấu ý định sẽ thành lập một tổ hợp tác đánh bắt xa bờ nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên biển.
Tháng 11.2011, Trung đã vận động được 7 chủ tàu cùng 77 thuyền viên chuyên đánh bắt xa bờ liên kết với nhau thành lập Tổ khai thác hải sản Tân Tiến do anh đứng đầu. Các thành viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia với trách nhiệm nghề nghiệp của chính mình. Tổ được chính quyền địa phương ra quyết định thành lập, chứng thực với mục đích cùng nhau hợp tác, hỗ trợ nhau mỗi khi gặp rủi ro do thiên tai hay tai nạn.
Các thành viên trong tổ còn tích cực hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển; đồng thời thông tin cho nhau về việc tìm kiếm ngư trường, tiêu thụ sản phẩm... Ngoài ra, hàng tháng, các chủ tàu còn đóng góp quỹ từ 500.000 đồng trở lên để giúp đỡ, hỗ trợ cho các tàu trong tổ mỗi khi tàu bị hư hỏng đột xuất trên biển phải về bờ hay không may gặp nạn trên biển.
Chủ tàu Nguyễn Đức Dũng - một thành viên của Tổ hợp tác kể lại: Tháng 6.2013, tàu cá của anh đang trên đường trở về từ biển Hoàng Sa thì bị sự cố, do mô tơ máy phát điện bị hỏng nên tàu không thể di chuyển được, đành gọi bộ đàm cầu cứu. Khi tàu cá của anh Trung đang trên đường từ đất liền ra biển thì nhận được tín hiệu. Không suy nghĩ, anh Trung đã quyết định cho tàu chuyển hướng ứng cứu và lai dắt tàu của anh Dũng cập bến rồi mới quay trở lại Hoàng Sa để tiếp tục đánh bắt…
Những hiệu quả tích cực mà Tổ hợp tác Tân Tiến mang lại đã tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều ngư dân khác trong việc thành lập các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển. Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Đức Trạch đã tiến hành nhân rộng mô hình, thành lập được 5 tổ hợp tác đánh bắt xa bờ và 39 tổ đoàn kết khai thác đánh bắt, chế biến hải sản theo mô hình của anh Trung.
Riêng Tổ hợp tác khai thác hải sản Tân Tiến hiện đã phát triển lên 11 tàu công suất từ 400-725CV. Mỗi tháng các tàu cá tổ chức khai thác 2 chuyến biển (mỗi chuyến 10-12 ngày). Mỗi năm 11 tàu cá của tổ mang về tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, bình quân thu nhập của thuyền viên đạt gần 10 triệu đồng/tháng, đặc biệt riêng thuyền viên là chủ tàu thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn