Ông Năm kể, cách đây gần 10 năm, gia đình ông chỉ có 3 sào lúa phụ thuộc với thời tiết. Vì thế, cơm ăn bữa đói, bữa no. Rồi đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển đô thị, gia đình ông cũng như những hộ dân dân ở đây không có ruộng để làm.
Không có công ăn việc làm, ông Năm quyết định phục hồi lại nghề thu mua nguyên liệu làm chổi đót rồi bán lại của bố vợ đã bỏ từ lâu. Tuy nhiên, thu nhập cũng chỉ đủ ăn chứ không khá giả gì.
Với mong muốn vươn lên thoát nghèo, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội nông dân phường, ông Năm “lấn” qua sản xuất chổi đót.
Ông được Hội nông dân tạo điều kiện cho đi học hỏi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng làm chổi đót.
Ban đầu, công việc làm chổi đót chỉ giải quyết việc làm cho vài lao động tại địa phương. Dần dần, ông mở rộng thêm cơ sở sản xuất từ nguồn vốn vay của Hội nông dân phường.
Đến nay, cơ sở của ông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ với thu nhập từ 4 -4,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cơ sở của ông xuất đi 1.000 cây chổi. Sau khi trừ các khoản chi phí, trả lương cho công nhân, mỗi năm ông thu về khoảng 300 triệu đồng.
Nhờ nghề làm chổi đốt, vợ chồng ông mới có điều kiện nuôi ba người con ăn học đại học. Giờ các con đã có gia đình riêng, ông lại hỗ trợ con mua đất xây nhà.
Đặc biệt, cơ sở sản xuất chổi đót này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục phụ nữ nghèo, lớn tuổi không thể vào làm trong các khu công nghiệp.
Theo ông Ngô Tấn Sơn - Chủ tịch Hội ND phường Hòa Hiệp Nam, gia đình ông Năm từ một hộ nghèo ở địa phương đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Mô hình làm chổi đót của gia đình ông Năm đã giúp cuộc sống của nhiều hội viên, nông dân địa phương ổn định hơn nhờ có việc làm và thu nhập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn