Vẫn còn ngất ngây sau khi nhận bằng ảo thuật gia của IMS, ông Năm Làm (Trần Văn Làm) hẹn tôi đến nhà để “khoe” tấm bằng quý giá mà ông đã dày công khổ luyện mới có được. “Lúc đầu mình chỉ tò mò tham gia, không ngờ lại được Hiệp hội IMS trao bằng ảo thuật gia” - ông Năm Làm thổ lộ.
Chơi nghiệp dư, lãnh bằng thật
Trong căn nhà 2 lầu, dụng cụ ảo thuật của ông Năm để ngổn ngang: Trên kệ, trên tủ, trên ghế, góc phòng… Thậm chí, để có chỗ cho khách ngồi, ông phải dọn dẹp lại cái ghế kê sát tường.
Nói thật, chơi với ông khá lâu, trà dư, tửu hậu không ít lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông Năm Làm biểu diễn ảo thuật. Bởi vậy, khi thấy tấm bằng có dòng chữ Master Diplomas của IMS tôi đã phục ông sát đất.
Ảo thuật gia Trần Văn Làm (thứ hai bên phải) trong buổi nhận chứng chỉ Master Diplomas của Hiệp hội IMS. Ảnh: T.Đ
Còn nhớ trong buổi trao bằng Master Diplomas cho ảo thuật gia Trần Văn Làm, Chủ tịch IMS Tony Hassini cho biết, lấy được tấm bằng này không phải dễ, phải đạt các tiêu chí do IMS đưa ra. Theo đó, các ảo thuật gia phải trải qua cuộc sát hạch gồm trả lời 200 câu hỏi; thực hành bộ đĩa CD 200 trò ảo thuật, diễn và quay video clip gửi cho IMS; đồng thời ảo thuật gia còn phải sáng tác các trò ảo thuật góp phần bổ sung cho kho tàng ảo thuật thế giới... Qua đó, Hội đồng thẩm định IMS mới quyết định trao bằng.
Cho đến giờ, với nghề tạo hình trái cây ông đã lập nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam, như: Cổng rồng lớn nhất Việt Nam, Bản đồ trái cây lớn nhất Việt Nam, Mâm trái cây lớn nhất Việt Nam… và nhiều Huy chương Vàng tác phẩm thông qua các lễ hội, hội thi nghệ thuật tạo hình trái cây.
|
Đứng cạnh dụng cụ “chặt người”, ông Năm Làm kể, ông lọ mọ vào nghề ảo thuật từ năm 17 tuổi sau khi nhìn người ta “tráo bài” dịp Tết Nguyên đán năm 1973 ở Sài Gòn. Mê mẩn với trò “tráo bài”, ông tìm đến một nhà ảo thuật “Sơn Đông, mãi võ” để mua dụng cụ, học ảo thuật. “Lúc bấy giờ ảo thuật gia này khá nổi tiếng. Ông bán dụng cụ và dạy ảo thuật khá đắt. Tôi nhớ mua cái khăn ảo thuật mà mất đến 6 giạ lúa” - ông Năm Làm kể.
Để trở thành ảo thuật gia, ông Năm từng “tầm sư học đạo” ảo thuật gia nổi tiếng Lê Văn Quý (thân phụ nhà văn, ảo thuật gia Mạc Can) – một ảo thuật gia được mệnh danh “vua trò nhỏ”. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến ảo thuật gia Trần Văn Làm rất lớn vì trong nhà ông có hàng trăm dụng cụ “ảo thuật nhỏ” nằm rải rác khắp nơi.
Một số nhà ảo thuật ở Sài thành bảo ông Năm Làm là một ảo thuật gia giỏi trong làng ảo thuật, nhưng cái ông giỏi nhất vẫn là “chuyên gia khói lửa”. Không ít nhà ảo thuật tiếng tăm khi cần sử dụng hiệu ứng khói lửa biểu diễn trước công chúng vẫn phải chạy đến nhà ông để nhờ “tư vấn”.
Bà Ba Huân (Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, TP.HCM), rất khoái mấy trò ảo thuật của ông Năm Làm. Năm 2015, trong lễ khai trương nhà máy chế biến thực phẩm tại Đức Hòa (Long An), bà đã mời ông Năm Làm biểu diễn một trò ảo thuật có một không hai: Từ tay không ông Năm Làm sẽ biến ra quả trứng gà, rồi cho nở thành con, thành gà trưởng thành và thành… con gà đã nhổ lông sạch sẽ. Thế mà ảo thuật gia Năm Làm không chỉ làm được mà còn làm rất tốt pha biểu diễn này khiến mọi người tham dự lễ chỉ còn biết trố mắt thán phục.
Sống khỏe với nghề tạo hình
Nghệ nhân Năm Làm khoái học ảo thuật nhưng xem nghề này như trò tiêu khiển của cuộc đời. Ông thích đem niềm vui đến mọi người trong những buổi tiệc tùng, hội hè hơn đi… kiếm cơm. Nghề chính nuôi sống ông và gia đình chính là đi tạo hình trái cây trong các lễ hội, tết… để thu mỗi năm 700 – 800 triệu đồng.
Ảo thuật gia Trần Văn Làm chuẩn bị một trò ảo thuật nhỏ “bắn khăn vào chai”. ảnh: T.Đ
Thật ra, ông đến với nghề tạo hình trái cây như một run rủi của cuộc đời. Một lần tình cờ xem ông sui của ông nội mình bày biện mâm trái cây cho khách hàng đặt bàn thờ gia tiên vào dịp tết, thấy hay hay, ông rình… học lỏm. “Tôi có cái tính không học thì thôi, hễ học là rất nhanh. Sau thời gian rình học lỏm xếp mâm trái cây, tôi bắt đầu nhận xếp mâm trái cây “chùa”, dựng rạp hay trang trí đám cưới cho bạn bè trong xóm. Sau này, thấy tôi làm đẹp ngày càng nhiều người nhờ tôi xếp mâm trái cây nên tôi biến làm “chùa” thành làm… dịch vụ” - ông Năm tâm sự.
Theo ông Năm, cho đến nay nghề tạo hình trái cây ở Việt Nam không có sách giảng dạy. Từ anh nông dân mới vô nghề cho đến nghệ nhân tạo hình đều… tự học. Muốn thành công với nghề này đòi hỏi người theo học rất nhiều khả năng: Phải là nhà điêu khắc, tạo hình; một họa sĩ cảm nhận cái hồn và màu sắc…
“Trong nghề này, người ta hơn thua nhau là chịu khó học hỏi, có đầu óc sáng tạo, thẩm mỹ; am hiểu bộ thế của bộ tứ long, lân, quy, phụng (4 linh vật hay được nghệ nhân tạo hình các tác phẩm trong lễ, hội)… Như tôi đây phải đi và học rất nhiều qua sách, báo, đền, chùa về 4 linh vật này. Phải tìm hiểu kỹ bộ thế, cái hồn của nó mới mong thực hiện tác phẩm thành công” - ông Năm cho biết.
Mấy chục năm trong nghề tạo hình trái cây, ông Năm Làm đi khắp từ Bắc chí Nam để tham dự các lễ hội lớn nhỏ và thực hiện các tác phẩm tạo hình theo yêu cầu. Những tác phẩm của ông được rất nhiều người thưởng lãm tiếp nhận vì thật sự có hồn và sinh động qua ánh mắt, đường nét, màu sắc, chuyển động… của các linh vật mà ông thể hiện.
Theo kinh nghiệm, nghệ nhân Năm Làm cho rằng, tùy theo sự kiện mà chọn hình tượng linh vật để tạo hình. Tuy nhiên, khi đã chọn linh vật phải thể hiện được bản chất linh vật đó, ví như chọn con rồng thì phải thể hiện được sức mạnh, sự uyển chuyển… của rồng.
Cho đến giờ, với nghề tạo hình trái cây, ông đã lập nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam, như: Cổng rồng lớn nhất Việt Nam, Bản đồ trái cây lớn nhất Việt Nam, Mâm trái cây lớn nhất Việt Nam… và nhiều Huy chương Vàng tác phẩm thông qua các lễ hội, hội thi nghệ thuật tạo hình trái cây.
Ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng, với trình độ và kinh nghiệm của nghệ nhân Trần Văn Làm trong lĩnh vực tạo hình trái cây, có thể nói ngay cả ở Việt Nam số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tác phẩm của ông đã chứng tỏ giá trị nghệ thuật rất cao, không những thế ông còn rất tâm huyết trong việc truyền dạy nghệ thuật tạo hình cho những người chơi lĩnh vực này ở thành phố.
Bạn đọc gửi bài tham dự cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam 2016, xin vui lòng gửi về địa chỉ: lehan8780@gamil.com hoặc hoivatamnong@gamil.com.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn