Năm 1999, chị Hằng từ huyện Nông Cống, Thanh Hóa vào Đà Nẵng lập nghiệp. Cuộc sống rất chật vật, đúng lúc đó chị lại sinh con. Sinh xong, chị chỉ còn vỏn vẹn 60.000 đồng. Lúc đó, chị không biết làm gì để sống, nuôi con. “Số tiền quá ít ỏi, tôi chỉ có thể đi mua ve chai kiếm sống qua ngày” - chị Hằng nhớ lại.
Trang trại chăn nuôi mỗi năm đem về cho gia đình chị Hằng 300 triệu đồng. |
Công việc cực nhọc, song nhờ tằn tiện chi tiêu, chị cũng dôi dư mỗi ngày ít tiền. Thấy heo bán có giá, chị để dành tiền mua heo con về nuôi ngay trong chỗ trọ. “Ngoài thời gian mua ve chai, tôi đến các nhà hàng xin thức ăn thừa về nuôi heo. Lúc đầu nuôi 2-3 con, sau tăng lên dần, năm 2000 tôi đã có 70 con” - chị Hằng kể.
Khi có quyết định không cho nuôi gia súc trong thành phố, chị về vùng quê Hòa Liên (Hòa Vang) thuê đất làm chuồng trại nuôi heo và bỏ hẳn nghề mua ve chai.
Đến năm 2007, chị nâng đàn heo lên 400 con. Chị mua luôn mảnh đất đang thuê, rồi cầm “sổ đỏ” vay thêm tiền đầu tư xây chuồng trại. Có trong tay 7.000m2 đất, chị dành 2.000m2 đất làm trang trại nuôi heo, 5.000m2 đất chị đầu tư xây 2 hồ nuôi cá trê.
Chị Hằng cho biết, nuôi heo quan trọng nhất là khâu thức ăn và giữ cho môi trường không bị ô nhiễm. Ban đầu, chị đi xin thức ăn thừa ở các nhà hàng, sau chị đến các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp mua thức ăn thừa về nuôi. Chị đầu tư gần 100 triệu đồng để xây hầm biogas, lắp đặt đường ống cho nước thải từ trang trại heo chạy ra hồ nuôi cá trê nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường. “Với đàn heo 400 con, trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi 300 triệu đồng” - chị Hằng cho biết.
Không chỉ vậy, mỗi năm chị còn bán 2 đợt cá trê, mỗi đợt thu về khoảng 20-30 triệu đồng. Để chăm đàn heo, chị phải thuê thêm 5 lao động ở địa phương, với lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn